Tham dự hội chợ giúp các sản phẩm của HTX Kỳ Như đến gần hơn với nhiều khách hàng trong và ngoài nước.
Cơ hội rộng mở
Trong bối cảnh hiện nay, việc liên kết vùng hay nói nhỏ hơn là liên kết giữa nông dân và HTX, doanh nghiệp là hết sức quan trọng để đưa nông sản vươn tầm ra thị trường lớn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh từ lâu đã bắt đầu tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết này.
HTX Kỳ Như, ở huyện Phụng Hiệp, đang sở hữu 16ha nuôi thủy sản, cho sản lượng 1.000 tấn/năm. Đơn vị có khoảng 20 loại sản phẩm chế biến từ cá thát lát như: Khổ qua rừng nhân chả cá thát lát, bao tử cá ba sa nhồi chả thát lát, bánh phồng cá thát lát... Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như, cho biết: Một trong những yếu tố tiên quyết để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường chính là sản xuất sạch, an toàn. Do vậy, HTX xây dựng quy trình sản xuất theo chuỗi khép kín từ con giống, nuôi, chế biến, đồng thời luôn định hướng bà con tuân thủ các tiêu chí để giữ vững chất lượng sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, khi chất lượng được đảm bảo thì việc đẩy mạnh liên kết, mở rộng thị trường là điều kiện sống còn giúp sản phẩm của HTX vươn xa.
“Chúng tôi tham gia nhiều hội chợ, xúc tiến thương mại, thông qua đó, bản thân mong muốn mang các sản phẩm của HTX đến tận tay người tiêu dùng và tìm đại lý phân phối. Nhiều khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm chất lượng, qua đó lan tỏa, giới thiệu, quảng bá giúp các sản phẩm của HTX Kỳ Như ngày càng vươn xa”, bà Thùy chia sẻ.
Liên kết sản xuất và phân phối đang là xu thế chung. Bên cạnh sự nỗ lực của các cá nhân, đơn vị thì các bộ, ngành Trung ương cũng có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này. Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, vùng ĐBSCL được định hướng cần đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại từ khu thương mại - dịch vụ, trung tâm logistics đến hệ thống chợ dân sinh hỗ trợ hiệu quả cho các trung tâm đầu mối về nông nghiệp; chú trọng xây dựng hệ thống kho chứa và bảo quản nông sản đảm bảo đủ tiêu chuẩn; phát triển thương mại điện tử, thương mại biên giới để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản có thế mạnh. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương, hợp tác xã, hiệp hội, doanh nghiệp để xây dựng, củng cố một số nhận diện thương hiệu chính về nông sản vùng ĐBSCL đối với thị trường trong nước, quốc tế.
Rất cần cơ chế chung
Để ĐBSCL phát triển xứng tầm thì một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu. Ông Tô Minh Đương, Phó Giám đốc Sở Công thương Bạc Liêu, cho rằng nên có một cơ chế liên kết và dưới sự chủ trì của Bộ Công thương.
Theo ông Tô Minh Đương, 3 địa phương gồm Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng có thế mạnh về tôm thì có thể ngồi lại để có một cơ chế phối hợp. Nhất là phối hợp về chuyển giao khoa học kỹ thuật, ổn định vùng nguyên liệu và liên kết các nhà máy sản xuất trong các tỉnh có thế mạnh về tôm dưới sự chủ trì của Bộ Công thương để từ đó các tỉnh, thành trong khu vực có những cơ chế liên kết mang tính cụ thể, thực chất, đi vào hiệu quả, đi vào chiều sâu.
“Chúng ta nên có một trung tâm xúc tiến thương mại của cấp vùng để có nơi trao đổi thông tin, trao đổi những sản phẩm trong vùng với các đối tác trong và ngoài nước. Chúng tôi thấy thành phố Cần Thơ là nơi có thể làm được đầu mối này để hỗ trợ cho các tỉnh ĐBSCL”, ông Tô Minh Đương đề xuất.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), sự phát triển của đa dạng các nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế cũng đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vùng ĐBSCL được biết đến là eo hẹp về kinh phí xúc tiến thương mại trực tiếp tại nước ngoài, nay có thể tận dụng được các nền tảng này để quảng bá hàng hóa đi tới nhiều thị trường xa.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho rằng: “Xây dựng cơ chế, hợp tác trong xúc tiến xuất khẩu của vùng, có thể tính đến chuyện xây dựng thương hiệu cho một nhóm hoặc một vài nhóm ngành hàng của vùng và nhất thiết phải có một hoặc một vài hội chợ chuyên ngành quốc tế cho cả vùng. Tôi nghĩ với cách này mới có thể tạo ra được thương hiệu vùng và cộng hưởng được nguồn lực sức mạnh của hoạt động xúc tiến thương mại của mỗi địa phương và đóng góp cho cả vùng”.
Cũng theo ông Vũ Bá Phú, thay vì mạnh ai nấy phát triển kinh tế theo thế mạnh của mình và cạnh tranh lẫn nhau thì đã đến lúc các tỉnh có những sản phẩm mạnh tương đồng tại ĐBSCL cùng bắt tay, đưa mối liên kết đi vào chiều sâu, thúc đẩy phát triển thương mại toàn vùng. Ngoài ra, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ và liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp. Phải xác định liên kết vùng là mục tiêu để hàng hóa của Việt Nam đi xa hơn.
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Trong thời điểm này và sắp tới, không thể một tỉnh nào tự đứng ra riêng lẻ mà cần tích cực, chủ động liên kết vùng với các nội dung đã được ký kết. Để phát triển thì phải liên kết. Kinh nghiệm là nhiều sản phẩm chúng ta làm ra nhưng số lượng rất ít, không đủ cung cấp. Vì thế, rất khó kêu gọi đầu tư vì nhà đầu tư nói chúng ta không đủ số lượng để cung cấp những sản phẩm mà họ yêu cầu.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đẩy mạnh liên kết, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, từng chia sẻ về câu chuyện, một doanh nhân nước ngoài đã nói với ông: “Nhiều nhà đầu tư quốc tế có thể khó nhận biết chính xác từng địa phương riêng lẻ, nhưng đều biết đến ĐBSCL”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng trong tư duy liên kết, tạo ra thương hiệu chung cho vùng, vừa khơi gợi, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của từng địa phương, vừa tiến tới mở rộng không gian vượt ra địa giới hành chính.
“Liên kết vùng ĐBSCL không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố. Đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa Nhà nước - Thị trường - Xã hội, kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới”, ông Lê Minh Hoan khẳng định.
Theo MỘNG TOÀN (Báo Hậu Giang)