Sản phẩm OCOP của tỉnh luôn được quan tâm quảng bá.
Sản phẩm thế mạnh
Trong số 175 sản phẩm, chủ yếu các sản phẩm OCOP của tỉnh được đánh giá, phân hạng đều là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đại diện cho thế mạnh của địa phương như: lúa, chanh không hạt, khóm, xoài, mứt bưởi, cá thát lát, mãng cầu... Mặt thuận lợi của tỉnh khi triển khai OCOP là ngành nông nghiệp của tỉnh có nền tảng phát triển và định hướng được những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, đồng thời có nhiều sản phẩm có lợi thế sinh thái đặc thù theo từng vùng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, địa phương tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP có 265 hộ tham gia liên kết, với diện tích khoảng 300ha trồng trái cây chủ lực. Bên cạnh đó, các sản phẩm luôn được cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, được sản xuất an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. GlobalGAP... Trong đó, sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh như bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, chanh không hạt đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, khu vực Bắc Mỹ, thị trường châu Âu. Ngoài ra, các sản phẩm từ cá thát lát đạt chuẩn OCOP của các cơ sở trong tỉnh cũng gián tiếp xuất qua một số thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan...
Về xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, các cơ sở trong tỉnh đã khai thác tối đa thị trường trong nước để vừa quảng bá, giới thiệu vừa hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Năm qua, tỉnh đã kết nối đưa 15 sản phẩm vào các siêu thị Co.opMart, Vinmart, Bách hóa xanh... mỗi tháng tiêu thụ hơn 150 tấn sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ đưa 27 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: Voso, Postmart, Shopee... để tiêu thụ 30 tấn sản phẩm các loại. Cùng với đó, tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia chương trình Kết nối giao thương đưa các sản phẩm OCOP vào tiêu thụ tại các siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, tỉnh có ba điểm bán hàng trực tiếp các sản phẩm OCOP tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Qua đó, tăng sự hiện diện sản phẩm OCOP của tỉnh trên thị trường, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Đặc biệt, các sản phẩm được sử dụng logo của chương trình OCOP có gắn sao tương ứng với kết quả sản phẩm đạt được. Đây được coi là nhận biết cơ bản của sản phẩm OCOP với các sản phẩm chưa tham gia đánh giá, phân hạng lưu thông, tiêu thụ, đồng thời còn phản ánh năng lực, uy tín, lợi thế cạnh tranh của chủ thể sản xuất trên thị trường. Để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế và các siêu thị cao cấp, hướng tới của địa phương là sản xuất các sản phẩm OCOP theo hướng an toàn, quản lý chất lượng sản phẩm theo quy trình sinh học, truy xuất nguồn gốc.
Mặc dù kết quả đạt được rất khả quan, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng thì năng lực của một số chủ thể tham gia OCOP cũng còn nhiều hạn chế. Năng lực quản lý, quản trị sản xuất, quản trị marketing của chủ thể còn yếu, thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Chủ thể sản xuất chưa chủ động trong việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, xây dựng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm. Mẫu mã, quy cách bao bì đóng gói, nhãn mác của các sản phẩm không được đồng nhất, thuận tiện sử dụng, không đảm bảo chất lượng sản phẩm trong thời hạn sử dụng và chưa có tính thẩm mỹ để thu hút được khách hàng. Có những sản phẩm đã được quan tâm đầu tư bao bì, nhãn mác nhưng không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, dẫn đến mất thương hiệu do đơn vị khác đăng ký bảo hộ trước, thiệt hại kinh tế rất cao.
Việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Chủ thể sản xuất nông nghiệp thường yếu kỹ năng bán hàng, khó khăn trong việc xây dựng các kênh quảng bá online cho sản phẩm. Các chủ thể cũng chưa chú trọng đến sự trải nghiệm của khách hàng, đến việc tham gia các hội chợ cũng như xây dựng chính sách giá bán...
Giải pháp để phát triển sản phẩm
Để phát triển mạnh sản phẩm OCOP, các sở, ngành, địa phương tới đây sẽ vào cuộc và phối hợp tích cực với cơ quan chuyên môn, cơ sở đào tạo triển khai thực hiện đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về chuyển đổi số; năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất như các kỹ năng về quản trị; marketing, bán hàng; kỹ năng về thiết bị bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn; năng lực tự đánh giá phân hạng sản phẩm trên cơ sở Bộ tiêu chí OCOP.
Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP cần tập trung đổi mới và cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất, đồng thời giảm chi phí nhằm giúp người có thu nhập thấp cũng có thể mua. Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; Xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.
Các chủ thể sản xuất cần hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định và phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Thúc đẩy áp dụng giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho các sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, cần tạo sự trải nghiệm cho người tiêu dùng bằng cách tuyên truyền về lợi ích của sản phẩm OCOP và nhân rộng cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP; hệ thống phân phối sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và khu vực; các mô hình xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số. Đồng thời, xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và nhận diện thương hiệu đối với các sản phẩm OCOP tỉnh Hậu Giang; nâng cao hệ thống logistic trong thương mại sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh ra thị trường trong nước và quốc tế. Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, qua các Cổng thông tin điện tử, truyền thông mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài liệu. Khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các gói combo quà tặng, quà lưu niệm sản phẩm OCOP, gắn với lịch sử văn hóa, dân tộc và địa phương.
Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có những sản phẩm trái cây được xuất khẩu đến thị trường châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ... Mục tiêu của chuỗi cung ứng là đảm bảo cung cấp một cách hiệu quả cho thị trường quốc tế sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn, tiện lợi với mức giá phù hợp và sự lựa chọn đa dạng, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng trên thị trường. Các chính sách quản lý của Nhà nước và của tỉnh sẽ hỗ trợ, cải thiện cơ sở hạ tầng, quản lý thị trường, tăng năng lực logistic, hải quan, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm. Để tăng cường hoạt động xuất khẩu các sản phẩm OCOP, các, sở, ban, ngành và các tổ chức khác như Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận tải, công nghệ thông tin và marketing cũng góp phần quan trọng để chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP xuất khẩu cải thiện cả về hiệu quả lẫn hiệu suất...
Theo T.TRÚC (Báo Hậu Giang)