Hoạt động kinh doanh tại các chợ nhộn nhịp trở lại sau kỳ nghỉ tết.
Giá cả “hạ nhiệt”
Tại các chợ trên địa bàn tỉnh, hoạt động buôn bán đã sôi động trở lại. Nguồn cung hàng hóa sau thời gian nghỉ tết tăng lên, nhất là nhóm hàng thực phẩm tươi sống như thịt, rau củ, trái cây… do hoạt động sản xuất dần bắt nhịp sau kỳ nghỉ. So với thời điểm giáp tết, giá các mặt hàng hiện nay đã nhanh chóng ổn định làm người tiêu dùng không còn tâm lý e dè khi mua sắm. Trong khi các năm trước, giá cả nhiều mặt hàng tăng và thường giữ giá trong thời gian khá dài.
Những ngày sau tết, nguồn cung nhiều mặt hàng dần phục hồi, nhất là thực phẩm. Tại các chợ truyền thống, giá nhiều loại rau, củ từng leo thang khá nhanh những ngày cận tết đã giảm về mức hợp lý. Cụ thể, khổ qua còn 14.000 đồng/kg, giảm gần 15.000 đồng/kg so với trong tết; dưa leo khoảng 15.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; các loại cải ngọt, cải bẹ xanh, cải thìa ở mức từ 9.000-15.000 đồng/kg; rau ăn lá khoảng 8.000-17.000 đồng/kg, tùy loại; rau gia vị từ 15.000-35.000 đồng/kg. Hiện nay, các loại rau củ đã dồi dào trở lại, đáp ứng đủ cho người tiêu dùng.
Mặt hàng thủy sản được chọn mua nhiều sau tết để đổi món “giải ngán” sau những bữa ăn tết chủ yếu là các món từ thịt heo. Các loại cá nuôi được nhiều người mua như điêu hồng, cá lóc, cá trê đều có giá bình ổn từ 40.000-50.000 đồng/kg, lươn từ 160.000-170.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ. Tôm thẻ từ 110.000-140.000 đồng/kg; mực có giá từ 140.000-200.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, thời điểm này nguồn cung cá biển, tôm dần phục hồi và dồi dào hơn. Thịt heo là mặt hàng bày bán sớm và khá nhiều từ sau tết, giá cả ở mức 85.000-90.000 đồng/kg, tùy loại thịt; giá heo hơi khoảng 51.000-54.000 đồng/kg. Song, sức tiêu thụ thịt heo của người dân hiện nay còn ở mức cầm chừng.
Còn tại các siêu thị, giá cả hàng hóa được duy trì ổn định từ trước, trong và sau tết, nhiều quầy kệ sau tết nhanh chóng được lấp đầy hàng hóa sau kỳ nghỉ và kinh doanh ổn định trở lại. Các mặt hàng gia dụng, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến… khuyến mại, giảm giá. Lượng khách hàng đến mua sắm dần nhộn nhịp trở lại, chủ yếu mua các loại thực phẩm.
Không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá
Thông tin từ Sở Công thương tỉnh, qua tổng hợp và báo cáo đánh giá từ hệ thống siêu thị, các địa phương thì tình hình thị trường cung cầu hàng hóa luôn ổn định. Nhìn chung, việc dự trữ và cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân luôn đảm bảo đầy đủ, hàng hóa đa dạng, không có hiện tượng thiếu hàng. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng thường xuyên liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành nắm sát tình hình, diễn biến của thị trường cung cầu hàng hóa.
Thời gian qua, Sở Công thương tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra về chất lượng, giá cả hàng hóa thiết yếu trên địa bàn. Nhìn chung, qua kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh; hàng hóa có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các đơn vị kinh doanh thực hiện tốt quy định về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại các chợ, cửa hàng tiện lợi và các điểm bán hàng hóa thiết yếu dồi dào, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.
Theo ghi nhận, thời gian trước, trong và sau tết, tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ổn định. Nhu cầu của người dân và sức mua các loại hàng hóa thiết yếu tăng từ 20-30% vào những ngày cận tết và trong tết nên giá cả các mặt hàng tăng trung bình khoảng 10%. Nhờ thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp làm giảm áp lực tăng giá cho các mặt hàng, góp phần giữ giá hàng hóa - dịch vụ trên địa bàn tỉnh ổn định. Sau tết, lực lượng quản lý thị trường cũng tiếp tục thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là đối với việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa hết hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Báo Hậu Giang