Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp Hậu Giang triển khai mô hình thí điểm theo Đề án lúa chất lượng cao được hơn 180ha.
Những tín hiệu tích cực
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai Đề án, từ cuối năm 2023 đến nay, Bộ NN&PTNT cùng một số địa phương và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Các mô hình điểm được nông dân canh tác theo quy trình sản xuất lúa chất lượng cao mà đề án đã đề ra. Điều phấn khởi là các mô hình đều cho những tín hiệu khá tích cực. Cụ thể, ruộng thực hiện mô hình giảm chi phí 20-30% nhờ nông dân giảm trên 50% lượng lúa giống gieo sạ, đồng thời giảm trên 30% lượng phân đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, thông tin: Ngoài yếu tố giảm chi phí sản xuất thì ruộng thực hiện mô hình thí điểm vùng lúa chất lượng cao đều tăng năng suất 10%. Cụ thể, năng suất lúa trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với ruộng đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha; tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (tương đương lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng), giảm trung bình 5-6 tấn CO2 tương đương trên một héc-ta và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn từ 200-300 đồng/kg. Kết quả đạt được từ các mô hình thí điểm đã khích lệ lớn cho các hộ nông dân và hợp tác xã (HTX) tin tưởng để tích cực tham gia đề án.
Ngoài triển khai mô hình điểm thì thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, với khoảng 620 HTX nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị và gần 200.000 hộ nông dân trong vùng thực hiện Đề án. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT còn phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn giáo viên về quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải, phương pháp tính toán MRV, xử lý phụ phẩm theo hướng kinh tế tuần hoàn, kết nối thị trường, sản xuất kinh doanh lúa gạo gắn với bình đẳng giới, tăng trưởng xanh với sự hỗ trợ kỹ thuật của một số tổ chức quốc tế. Mặt khác, Bộ NN&PTNT còn phối hợp với các bộ, ngành có liên quan của Trung ương và địa phương tổ chức hội thảo, diễn đàn trao đổi với các tổ chức khoa học, quốc tế có liên quan, cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp để bàn giải pháp kỹ thuật phục vụ đề án, đồng thời huy động nguồn lực và sự tham gia của các thành phần có liên quan nhằm thực hiện thành công mục tiêu của đề án. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố tham gia đề án đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, tổ chức thực hiện đề án từ cấp tỉnh đến xã.
Hậu Giang đã và đang xây dựng các HTX ngành hàng lúa gạo đủ lớn mạnh để thực hiện chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp.
Điển hình như tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm 2024 đến nay, địa phương đã triển khai thực hiện các mô hình điểm cấp tỉnh, huyện về sản xuất lúa theo đề án với tổng diện tích 180ha. Các mô hình đều được nông dân áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: tưới nước ướt khô xen kẽ, 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP... Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Mặc dù chỉ mới được triển khai thí điểm tại một số HTX trên địa bàn tỉnh, nhưng bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Theo đó, các mô hình đã giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho người canh tác, cũng như người tiêu dùng và môi trường. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí tài trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức - dự án GIC, tỉnh cũng tổ chức 25 lớp tập huấn cho nông dân về quản lý, tái sử dụng phụ phẩm rơm rạ; 15 lớp huấn luyện nông dân HTX về kinh doanh và 15 lớp nâng cao năng lực cho HTX tham gia đề án.
Trở ngại và giải pháp
Bên cạnh những tín hiệu tích cực bước đầu thì trong quá trình thực hiện đề án, các địa phương vùng ĐBSCL đang gặp không ít trở ngại. Do đó, từ góc độ của cơ quan chuyên môn, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã có những phân tích, đánh giá và hiến kế để tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu mà đề án đã đề ra.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL thì một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là cắt giảm lượng giống trong gieo sạ. Và thực tế là một số mô hình điểm vừa được triển khai theo yêu cầu của đề án đã đưa lượng giống sử dụng xuống còn 70-80kg/ha mà vẫn đảm bảo được năng suất, thậm chí năng suất còn vượt trội hơn so với ruộng canh tác theo cách truyền thống.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, để triển khai nhân rộng được mô hình giảm lượng lúa giống trong gieo sạ thì các địa phương cần thực hiện tốt một số nội dung. Thứ nhất là phải đảm bảo được mặt bằng và khả năng thoát nước của đồng ruộng, cùng với đó là tránh xuống giống khi trời mưa để giảm nguy cơ rửa trôi giống, điều này sẽ giảm chi phí. Thứ hai là phương tiện gieo sạ, thay gieo lúa giống bằng tay, phun bằng máy như trước đây, nông dân cần có những thiết bị gieo sạ chính xác, sạ hàng, sạ cụm để giảm lượng giống đầu vào. Thế nhưng, vấn đề hiện nay là toàn bộ khu vực ĐSBCL chỉ có xấp xỉ 100 máy sạ, như vậy để đáp ứng nhu cầu gieo sạ cho hơn 1 triệu ha/vụ thì là thách thức rất lớn. Áp lực này cũng khiến chi phí đầu vào tăng thêm. Vấn đề thứ 3 là chất lượng giống lúa, bởi nếu tỷ lệ nảy mầm thấp, nhiều lẫn tạp thì kéo giảm chất lượng lúa hàng hóa giảm. Trong khi ở khuôn khổ của đề án, nhu cầu giống có thể lên đến vài chục ngàn tấn, thế nhưng hiện chỉ có vài doanh nghiệp đảm bảo được. Do đó, Viện lúa ĐBSCL đề cập đến việc nâng cao năng lực sản xuất giống của các HTX, đồng thời Viện lúa ĐBSCL cũng đang phối hợp với các địa phương để giải quyết vấn đề cung ứng nguồn giống lúa chất lượng bằng những vùng sản xuất giống tập trung, chính quy hơn, chất lượng hơn.
Về góc độ địa phương, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho hay: Hiện diện tích đất trồng lúa của tỉnh đa số là vùng phèn, trũng. Do đó, địa phương gặp khó khăn trong việc áp dụng triệt để quy trình ngập khô xen kẽ. Về cơ sở hạ tầng, hệ thống đê bao thủy lợi và máy móc thiết bị để phục vụ vùng sản xuất lúa tham gia đề án vẫn còn hạn chế. Hướng tới, khi dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Bộ NN&PTNT triển khai đầu tư đến đâu, từ đó tỉnh sẽ đầu tư đồng bộ để tạo ra một vùng sản xuất khép kín, đáp ứng các tiêu chí của đề án.
Theo chia sẻ của nhiều địa phương tham gia đề án thì việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào liên kết chặt chẽ, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ qua các vụ lúa vẫn còn hạn chế, nhất là doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào. Để tháo gỡ khó khăn trên, Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT đề xuất cần xây dựng các HTX đủ mạnh và bản lĩnh, có khả năng thực hiện việc mua chung, bán chung với doanh nghiệp và tổ chức sản xuất. Xu hướng phát triển hiện nay là tập trung vào việc tăng số lượng thành viên để mở rộng sản xuất và tăng cường liên kết.
“Khi thực hiện tốt sản xuất theo chuỗi, chúng ta sẽ liên hệ được các đơn vị có vật tư đầu vào chất lượng, cắt giảm trung gian và lượng phân bón, thuốc trừ sâu không cần thiết, đồng thời đảm bảo đầu ra nhờ các doanh nghiệp thu mua. Bên cạnh đó, phát triển tổ liên kết cộng đồng, lớn hơn là HTX, những tổ marketing về vật tư đầu vào, từ đó thông tin cho người dân về những loại vật tư phù hợp với từng loại giống và điều kiện canh tác”, Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn, chia sẻ thêm.
Về vấn đề tài chính, nhiều địa phương thực hiện đề án thông tin rằng, hiện các ngân hàng đã bắt đầu chuyển mình để cho vay theo chuỗi. Tuy nhiên, dư nợ để làm trong chuỗi đề án này chưa nhiều. Trong khi hiện nông dân chưa trang bị đủ trang thiết bị phục vụ sản xuất theo yêu cầu, mục tiêu của đề án đề ra, nhất là các thiết bị máy móc phục vụ cho công tác gieo sạ. Ngoài ra, thủ tục giải ngân nhanh chóng và uy tín cũng là yếu tố mà HTX và các doanh nghiệp quan tâm khi tham gia Đề án. Để tháo gỡ, nhiều chuyên gia ngành hàng lúa gạo đề nghị các ngân hàng có thể cho vay theo khách hàng cá nhân nhưng đại diện là tổ nông dân, HTX sẽ nhận và cho vay qua doanh nghiệp; qua đây nhằm tạo điều kiện cho người dân nâng cấp trang thiết bị phục vụ sản xuất theo đề án được hiệu quả hơn.
Ông Trương Hoàng Hải, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Cần Thơ, cho biết: Thông qua các chính sách tín dụng, Agribank luôn đảm bảo nguồn vốn cho vay phù hợp. Theo Nghị định 55 của Chính phủ, ngân hàng hỗ trợ cho vay tới 200 triệu đồng đối với cá nhân, 1 tỉ đồng đối với hợp tác xã, và 2-3 tỉ đồng đối với doanh nghiệp, dựa theo quy định của dự án và quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, Agribank sẽ tăng cường tư vấn, hỗ trợ đầu tư hiệu quả hơn cho khách hàng. Agribank cam kết hỗ trợ mạnh mẽ đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, đảm bảo cung ứng vốn cần thiết để triển khai hiệu quả các dự án liên quan đến đề án.
Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)