Hậu Giang: Nhân văn những mô hình hội chữ thập đỏ trường học

09/09/2024 - 15:29

Công tác thanh, thiếu niên chữ thập đỏ (CTĐ) trường học đạt những kết quả thiết thực từ nhiều cách làm hay, mô hình ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường học an toàn, thân thiện.

Thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam trong một lần “mổ heo đất”.

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, trong năm học 2023-2024 vừa qua, Trường THCS Tân Phú (thị xã Long Mỹ) đã gắn 54 địa chỉ nhân đạo. Mỗi địa chỉ sẽ nhận được trung bình 300.000 đồng/tháng.

Cô Ngô Thị Kim Hoa, giáo viên Trường THCS Tân Phú, chia sẻ: “Vào cuối các năm học, giáo viên chủ nhiệm sẽ phối hợp rà soát lại những em học sinh có đủ điều kiện để tiếp tục được nhận hỗ trợ, đồng thời xét bổ sung thêm những em có hoàn cảnh khó khăn để các em được tiếp tục đến trường. Trong năm học mới 2024-2025, nhà trường sẽ tăng địa chỉ nhân đạo lên 65”.

Hay mô hình “Nuôi heo đất” do Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (huyện Châu Thành A) thực hiện, mang lại những giá trị thiết thực. Định kỳ 1 năm 2 lần, Hội CTĐ của trường sẽ “mổ heo đất”. Năm học 2023-2024 tổng số tiền từ 2 đợt “mổ heo đất” được trên 51 triệu đồng. Số tiền này được dùng trao học bổng học sinh nghèo, tặng xe đạp, tặng cặp sách, quần áo mới cho những em có hoàn cảnh khó khăn.

“Thực hiện mô hình này, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo cho các tập thể lớp mang heo đất về tự quản và chăm sóc. Các em sẽ tiết kiệm tiền quà bánh của bản thân cho heo đất. Việc ủng hộ này hoàn toàn tự nguyện và tùy theo khả năng của mỗi học sinh”, thầy Phan Hoàng Thăm, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, cho biết thêm.

Toàn tỉnh hiện có 145 trường tiểu học, 62 trường THCS, 23 trường THPT và 1 trường cao đẳng có tổ chức cơ sở hội chữ thập đỏ, hoạt động theo sự quản lý của hội chữ thập đỏ các huyện, thị, thành phố. Tổng số có 24.569 cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia vào tổ chức hội.

Nối dài tình yêu thương

Hội CTĐ trường học các huyện, thị, thành phố đã phát huy được vai trò cầu nối, thực hiện thành công và hiệu quả nhiều mô hình như Hội CTĐ huyện Châu Thành A triển khai đồng loạt mô hình “Nuôi heo đất” và “Hũ gạo tình thương” tại tất cả các điểm trường THCS, THPT trên địa bàn huyện; mô hình “Chăm lo cho học sinh nghèo” ở Trường THCS Đông Phước A (huyện Châu Thành); mô hình “Ai thừa mang đến - Ai thiếu mang về” của Trường THCS Lê Hồng Phong và mô hình “Áo ấm mùa xuân” ở Trường THCS Nguyễn Trãi (thành phố Ngã Bảy),…

Hội CTĐ trường học còn thực hiện đa dạng các phong trào chăm lo cho học sinh nghèo: Phong trào “Tết Nhân ái”, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; thành lập các câu lạc bộ tình nguyện thanh, thiếu niên giúp bạn vượt khó... Hội CTĐ tỉnh làm cầu nối cho hai chương trình học bổng dài hạn dành cho các em học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh gồm học bổng VNSF và học bổng Vingroup.

Xác định hoạt động CTĐ trường học có vai trò quan trọng trong việc giáo dục toàn diện đối với học sinh, hàng năm Hội CTĐ tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn xây dựng kế hoạch chỉ đạo hoạt động thanh, thiếu niên CTĐ trong trường học.

Từ sự chung tay, góp sức của hội viên trong các cơ sở Hội CTĐ trường học đã tạo nên nguồn lực lớn hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế. Công tác xã hội nhân đạo trong năm học 2023-2024 đã vận động nguồn lực chăm lo cho trên 5.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 6,5 tỉ đồng.

“Thời gian qua, Hội CTĐ trường học các huyện, thị, thành phố trên địa bàn đã chủ động trong việc vận động các nguồn lực chăm lo cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ bền vững, hiệu quả cho nhiều địa chỉ nhân đạo. Mong rằng trong thời gian tới, các cấp hội sẽ luôn đồng hành nhằm tiếp thêm động lực cho học sinh nghèo vượt qua khó khăn, có thêm niềm tin, nghị lực trên con đường học tập phía trước”, ông Nguyễn Chí Nghề, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, nhấn mạnh.

Theo THANH NGÂN (Báo Hậu Giang)