Hậu Giang: Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch

30/10/2020 - 14:45

Sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Phụng Hiệp triển khai sớm nhiệm vụ đột phá: “Tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp...”.

Du lịch và thu hoạch khóm MD2 ở xã Phương Bình. Ảnh: T.TRÚC

Huyện Phụng Hiệp có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh với gần 40.000ha, trong đó trên 9.800ha cây ăn trái, hơn 4.300ha thủy sản và gần 900 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, người dân quen dần ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xây dựng nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng có sự liên kết tiêu thụ thông qua kinh tế hợp tác.

Ngoài Hợp tác xã (HTX) dưa lưới Bình Thành, HTX mãng cầu xiêm thì tương lai, huyện sẽ thành lập làng nghề nuôi cá thát lát 15ha mặt nước, dự kiến cung ứng mỗi năm 2.000 tấn cá thương phẩm mỗi năm. Hiện huyện có 12 sản phẩm OCOP, trong đó có 8 mặt hàng sản phẩm chế biến từ cá thát lát và 3 sản phẩm từ rượu truyền thống. Các sản phẩm này đã và sẽ phục vụ tốt phát triển du lịch nông nghiệp.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chia sẻ: “Ngành rất quan tâm hỗ trợ về kiến thức và kỹ thuật để người dân xây dựng, cho ra những sản phẩm có thương hiệu cho du lịch. Huyện đang hình thành các điểm làng nghề cơ sở sản xuất chế biến nông sản của địa phương để làm sản phẩm đặc trưng gắn với các khu di tích lịch sử, sinh thái”.

Khởi động nhiệm vụ đột phá, huyện tập trung chỉ đạo cho các địa phương đẩy mạnh vận động người dân chuyển đổi cây trồng theo từng khu vực đã được quy hoạch. Ông Phạm Măng Non, Chủ tịch UBND xã Phương Bình, cho biết: “Nhằm thúc đẩy kinh tế gắn với du lịch, xã tập trung cho việc nhân rộng mô hình hiệu quả. Đặc biệt đối với khóm MD2 thì thời gian qua chúng tôi đang xây dựng nhãn hiệu; đang cùng với huyện, tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển du lịch ở Lung Ngọc Hoàng”.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, ở xã Phương Bình, thông tin: “Được ngành nông nghiệp tổ chức cho đi tập huấn, tham quan mô hình ở tỉnh bạn, tôi nhận thấy du lịch miệt vườn thật sự đang mang lại cho người dân nông thôn thu nhập ổn định. Nếu địa phương có hướng phát triển như vậy thì bà con ở đây sẵn sàng hưởng ứng”.

Về các sản phẩm OCOP, bà Nguyễn Kim Thùy, chủ cơ sở sản xuất cá thát lát Kỳ Như, cho biết các sản phẩm của đơn vị đã đạt chuẩn OCOP nên mong muốn sớm gắn kết với du lịch sinh thái hoặc du lịch miệt vườn. “Về du lịch cộng đồng, hiện tại tôi có định hướng sẽ làm vùng nuôi cá và khu chế biến để khách du lịch tham quan cách nuôi, cách làm của mình như thế nào”, bà Thùy nói thêm.

Một sản phẩm OCOP khác cũng sẽ góp phần vào phát triển du lịch nông thôn ở huyện Phụng Hiệp đó là sản phẩm rượu lão tửu Út Tây. Chị Võ Thị Phương Trang, chủ cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây, nói: “Cơ sở đã ký hợp đồng với HTX Tân Long sản xuất gạo sạch để mua tấm của gạo sạch đưa vào sản xuất rượu và kết hợp với HTX lục bình Thanh Tú để dùng sợi lục bình đan đát tạo thành bao bì các sản phẩm rượu của đơn vị”.

Theo ghi nhận, đến nay, huyện Phụng Hiệp đang hình thành các tuyến du lịch nông nghiệp như tham quan cây lộc vừng; vùng nguyên liệu nuôi cá thát lát; trang trại trồng dưa lưới công nghệ và lúa hữu cơ; Lung Ngọc Hoàng… Ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư Huyện ủy, cho hay, giai đoạn đầu, huyện sẽ tập trung trang bị kiến thức cho người dân và hình thành điểm đến từ khai thác thế mạnh sẵn có của từng xã.

“Chúng tôi đã và đang chỉ đạo phát triển một số vùng nguyên liệu tiếp tục xây dựng mỗi xã một sản phẩm đạt chuẩn OCOP, củng cố lại một số HTX sản xuất, chế biến nông, thủy sản để làm nền tảng liên doanh, liên kết với các tour du lịch nông nghiệp bền vững; sau khi tạo dựng thương hiệu sẽ tiến tới khai thác mạnh du lịch trong nông thôn”, ông Nguyễn Văn Bảy thông tin thêm.

“Mỗi xã, phường một sản phẩm” (tiếng Anh là One commune, one product - viết tắt là OCOP) là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm của Nhật Bản” (tiếng Anh là One village, one product - viết tắt là OVOP), phong trào này được triển khai đầu tiên ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích người dân. Đến nay đã có hơn 40 nước học theo và đã triển khai rất thành công góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn.

“Mỗi xã, phường một sản phẩm” thực chất là giải pháp để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương vốn dĩ là những tiềm năng lợi thế của các vùng miền chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

Chương trình OCOP nước ta là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện…

Theo T.THỨC - T.TRÚC (Báo Hậu Giang)