Hậu Giang: Sản phẩm OCOP đi từ chất lượng

17/04/2023 - 14:33

Chất lượng là yếu tố đầu tiên mà chủ thể các sản phẩm đạt chuẩn OCOP trên địa bàn huyện Vị Thủy quan tâm và thường xuyên cải tiến để xứng tầm.

A A

Mỗi tháng HTX Kim Ngoan bán ra thị trường từ 800kg sản phẩm chế biến từ thủy sản.

Là một trong những Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Vị Thủy, có được 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, thị trường tiêu thụ ổn định, với doanh thu mỗi tháng 100 triệu đồng, bà Nguyễn Kim Ngoan, HTX Kim Ngoan, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết: Hiện tại, HTX có 10 sản phẩm từ thủy sản các loại, trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP là cá thát rút xương tẩm gia vị, chả cá thát lát, chả cá thát lát tẩm gia vị, khô lươn 1 nắng. Đạt được kết quả này HTX rất phấn khởi, tuy nhiên để đạt chuẩn OCOP thì sản phẩm luôn quan tâm đến chất lượng là hàng đầu. Làm thế nào sản phẩm trước tiên phải ngon, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Sắp tới đây, HTX dự kiến sẽ ra mắt một vài sản phẩm làm từ nông sản để đa dạng sản phẩm cung cho thị trường và giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Thời gian qua, HTX luôn nhận được sự hỗ trợ của tỉnh và là 1 trong 15 HTX nằm trong đề án của tỉnh về phát triển nông nghiệp bền vững. Có sự hỗ trợ này là động lực rất lớn giúp HTX phát triển mạnh hơn nữa.

Phải khẳng định rằng, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã phát huy tích cực, là động lực giúp người dân phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất. Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Tân Long, ở huyện Vị Thủy, phấn khởi cho biết: Hiện nay, HTX có diện tích trồng lúa từ 350-750 ha/vụ. Có 5 sản phẩm gạo chủ lực đang được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ là ST 24, ST 25, ST 21 Đài Thơm và OM 18, đây cũng là các sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đối với các sản phẩm này, HTX đang tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng hơn nữa, thay đổi mẫu mã cho đẹp hơn. Để có sản phẩm ngon và an toàn, trong sản xuất HTX luôn tuân thủ kỹ thuật, quy trình sản xuất. Thị trường hiện nay đã được HTX phát triển trên các tỉnh, thành phố.

Theo ông Thích, thời gian qua cùng với sự cố gắng của thành viên trong HTX, sự hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình, đề án đã giúp cho HTX có nhãn mác, máy sấy, nhà kho. Sự quan tâm hỗ trợ này là niềm vui rất lớn đối với HTX, giúp cho HTX có những trang thiết bị để sản xuất ra sản phẩm tốt hơn. Từ đó, doanh thu năm 2022 được 10 tỉ đồng, đem lại lợi nhuận ổn định cho thành viên HTX. Phấn đấu  năm 2023, doanh thu đạt từ 10-15 tỉ đồng. Để đạt mục tiêu này cũng như tạo nên những sản phẩm cao cấp hơn, ngon hơn cho khách hàng tiêu dùng, hiện HTX đang trồng 10ha lúa để làm gạo sạch cao cấp mang thương hiệu Nàng Mau. Đây là dòng sản phẩm không sử dụng chất hóa học. Bên cạnh đó, HTX lên kế hoạch trong năm nay đầu tư máy xay xát mini tại các điểm bán hàng để làm gạo tươi cung cấp ngay theo yêu cầu cho khách hàng.

Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, cho biết: Để nâng chất sản phẩm, thời gian qua một số chủ thể đã được hỗ trợ lồng ghép từ các chương trình, dự án về cơ sở hạ tầng, chứng nhận vùng trồng, máy móc, thiết bị sản xuất. Đồng thời, ngành cũng đã phối hợp với các hộ kinh doanh cá thể, HTX, doanh nghiệp, công ty có sản phẩm tiềm năng đăng ký tham gia chương trình. Đến nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm huyện đã đánh giá, phân hạng thêm 6 sản phẩm của 4 chủ thể có sản phẩm tiềm năng và trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh theo quy định.

Thế mạnh của Vị Thủy là các sản phẩm là lúa gạo, chế biến thủy sản. Năm nay huyện có thêm sản phẩm mới đăng ký xét đạt chuẩn OCOP là ngành nghề thủy công mỹ nghệ. Hiện nay, huyện tập trung cho các chủ thể nâng chất các sản phẩm OCOP, nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn OCOP cao hơn nữa để giúp các sản phẩm của địa phương có thể vươn xa ra thị trường. Điển hình là tập trung nâng chất cho sản phẩm gạo sạch Vị Thủy từ chuẩn 4 sao lên 5 sao.

Hiện toàn huyện Vị Thủy có 18 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao. Đối với các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh thì 100% sản phẩm được hỗ trợ xúc tiến thương mại trên App Hậu Giang, sàn giao dịch nông sản của Liên minh Hợp tác xã (HTX), farm 360 của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh. Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Theo Báo Hậu Giang