Khách tham quan cùng thưởng thức món ngon ngay dưới tán cây măng cụt của vườn nhà bà Dân.
Đó cũng là dự án đạt giải nhất tại Cuộc thi khởi nghiệp của phụ nữ Hậu Giang năm 2023, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Cụ thể, mô hình du lịch xanh được thực hiện bởi nhóm tác giả Trần Thị Tuyết Phượng, Phạm Thị Cẩm Dân và Trần Võ Tú Trinh, ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A. Đây là dự án du lịch nông nghiệp tạo cho du khách có điều kiện trải nghiệm nhiều điều thú vị trên vườn cây ăn trái đặc trưng và thế mạnh của địa phương này.
Ý tưởng làm du lịch nhen nhóm từ vườn nhà
Bà Phạm Thị Cẩm Dân, chủ mô hình du lịch xanh, ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, cho biết: “Du lịch xanh hiện nay đang là xu thế phát triển bởi cuộc sống hiện tại con người ngày càng ít có dịp hòa mình vào cuộc sống thiên nhiên vùng nông thôn. Do đó, chúng tôi nảy ra ý tưởng làm mô hình du lịch tham quan vườn cây ăn trái để giúp du khách có thêm sự trải nghiệm thú vị khi được hòa mình với thiên nhiên, với cuộc sống dân dã vùng nông thôn”.
Thật thú vị, khi ý tưởng làm du lịch của bà Dân được nhen nhóm từ sau những lần đón tiếp bạn bè, người thân đến chơi nhà, tham quan vườn, cùng tổ chức tiệc tùng ngay tại vườn cây trái. Mỗi đoàn khách đến đây, đều cho những phản hồi tích cực về sự trải nghiệm thú vị tại vườn nhà. Đó là động lực để gia đình bà quyết định phát triển mô hình du lịch xanh ngày hôm nay. “Từ năm 2011, vườn nhà tôi bắt đầu được du khách nơi xa biết đến. Nhưng mãi đến khoảng cuối năm 2021, mô hình du lịch xanh bắt đầu được chúng tôi triển khai cho đến nay”, bà Dân chia sẻ.
Cũng theo bà Dân, để có điều kiện làm du lịch, gia đình bà đã tận dụng vườn cây ăn trái sẵn có với nhiều cây trồng cho trái bốn mùa, như măng cụt, xoài, chôm chôm, sầu riêng, dừa, mít, dâu, chuối… trên diện tích 2,3ha. Đối với ao trong vườn được tận dụng để thả cá và trồng bông súng để tạo cảnh quan. Qua đó, vừa giúp du khách có cơ hội trải nghiệm câu cá, vừa có thể chế biến thành món ăn để họ thưởng thức.
Có lẽ, điểm thu hút du khách nhất là nhờ vườn măng cụt hơn 1ha có tuổi đời hàng chục năm cho trái xum xuê. Độc đáo của vườn cây này là sở hữu 2 gốc măng cụt tươi tốt đã hơn trăm năm tuổi. “Lâu nay, bạn bè, người quen đến chơi đều tỏ ra thích thú với vườn măng cụt và nhiều loại cây trái ngon đặc trưng của miền Tây có tại vườn nhà. Sự hấp dẫn của 2 cây măng cụt trên 100 tuổi đời đối với nhiều người cũng là điều kiện để chúng tôi phát triển du lịch vườn”, bà Dân bộc bạch.
Điểm nổi bật nữa để thu hút du khách gần xa, là tất cả cây trồng, vật nuôi trong vườn đều được nuôi trồng theo hướng sạch, hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp, phân bón, thuốc hóa học; ưu tiên những sản phẩm tự nhiên, dùng phân vi sinh và phân bón hữu cơ. Với phương pháp này, vừa mang lại năng suất cao, vừa không làm ảnh hưởng môi trường, kéo dài tuổi thọ cây ăn trái cũng như an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Sẽ đầu tư thêm hạng mục không gian trải nghiệm
Cùng bạn bè đến trải nghiệm vào dịp cuối tuần, bà Nguyễn Thị Yến Tuyết, ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, bày tỏ: “Sau một tuần làm việc, vào khu vườn của bà Dân cho tôi cảm giác rất thư thái, dễ chịu. Càng thích thú hơn khi vừa được tận mắt chứng kiến vườn cây trĩu quả, vừa tận tay hái trái cây sạch nên không chỉ thưởng thức được món ăn ngon từ cây trái trong vườn mà còn tận hưởng được không khí trong lành của vườn cây rộng lớn. Theo tôi, nếu kết hợp thêm một số hoạt động giải trí qua các trò chơi dân gian, điểm dừng chân, khu nghỉ dưỡng trong vườn nữa thì đây sẽ là điểm đến rất hút khách trong tương lai”.
Theo nhóm tác giả thực hiện Dự án khởi nghiệp mô hình du lịch xanh, hiện việc quảng bá du lịch chủ yếu được thực hiện thông qua các thành viên của nhóm trên các trang mạng xã hội, từ những người thân, bạn bè và du khách đã từng đến tham quan vườn. Đáng ghi nhận là sau khi đạt giải tại Cuộc thi khởi nghiệp của phụ nữ, đến nay, khu du lịch này đã có nhiều người biết đến hơn và hứa hẹn lượng lớn khách tham quan sẽ đến đây vào dịp hè sắp tới.
Du khách đến đây không thu vé vào cổng nên có thể thoải mái tham quan vườn cây tùy thích. Khi họ có nhu cầu thưởng thức trái cây trong vườn sẽ tự hái và được tính theo giá bán của thị trường. Chưa kể, du khách có nhu cầu dùng tiệc với các món ăn dân dã đặc sắc của địa phương, họ vẫn có thể yêu cầu chủ vườn thực hiện sẵn hoặc tự tay trải nghiệm quy trình chế biến theo hướng dẫn với mức giá phải chăng.
Thời gian tới, nhằm tạo thêm sức hút với du khách, dự án sẽ đầu tư thêm một số hạng mục mở rộng không gian trải nghiệm. Cụ thể như xây dựng thêm các tiểu cảnh để du khách có nhiều không gian chụp ảnh, bố trí nhà sàn để khách tham quan vừa nghỉ chân, vừa thưởng thức cảnh đẹp và các món ăn miệt vườn. Mặt khác, lập trang web riêng để quảng bá du lịch rộng rãi đến du khách; tăng cường liên kết với các công ty lữ hành tổ chức các tour du lịch xanh nhằm đưa mô hình du lịch xanh của địa phương vào một trong những điểm đến hấp dẫn du khách khi đến với Hậu Giang.
“Trong tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng kết nối cùng các nhà vườn trên địa bàn nhằm tạo sự phong phú về chủng loại vườn cây trái; kết nối với các chị em phụ nữ giỏi tay nghề nấu nướng để cho ra những bữa ăn ngon, đặc sắc từ nông sản địa phương. Với cách làm này, không những sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách tham quan mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và tạo việc làm cho chị em phụ nữ tại địa phương”, bà Dân thông tin thêm.
Với mô hình kinh tế bình dị nhưng có sức hút đặc biệt với những người yêu thích, khám phá thiên nhiên, đã mở ra một hướng đi mới cho hoạt động du lịch của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Việc nhân rộng cách làm hay và hiệu quả từ nông nghiệp cũng là việc làm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; tạo sân chơi, cùng những hoạt động trải nghiệm để giúp mọi người vun đắp tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước.
Vậy nên, mô hình du lịch xanh đang được xem là dự án có nhiều triển vọng và phù hợp với định hướng phát triển thế mạnh du lịch nông nghiệp của huyện Châu Thành A trong thời gian tới.
Theo Báo Hậu Giang