Hậu Giang: Triển vọng mô hình nuôi cầy vòi hương

21/03/2023 - 09:44

Với ưu điểm dễ nuôi, không cần diện tích rộng, chi phí đầu tư ban đầu không cao nhưng cho nguồn thu nhập hấp dẫn nên mô hình nuôi cầy vòi hương đang mở ra nhiều triển vọng và được nông dân trong tỉnh nhân rộng.

Cán bộ ngành kiểm lâm tỉnh tham quan mô hình nuôi cầy vòi hương của người dân xã Đông Thạnh.

Sau khi học tập kinh nghiệm từ những người thực hiện trước về kỹ thuật, cách chăm sóc thì ông Nguyễn Phước Thảo, ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, quyết định thực hiện mô hình nuôi cầy vòi hương. Từ 7 con cầy vòi hương giống ban đầu thì sau gần 2 năm nuôi, hiện ông Thảo đã nhân lên số lượng đàn cầy vòi hương của gia đình là 79 con, bao gồm cầy thương phẩm và cầy giống.

Ông Thảo thông tin: “Cầy vòi hương là loài động vật hoang dã khá dễ nuôi, nguồn thức ăn chủ yếu là cá, chuối, cua… Về chuồng nuôi không cần quá nhiều diện tích. Cụ thể, chuồng nuôi được làm bằng sắt hoặc làm bằng cây xung quanh bao lưới chì; chiều ngang 1m, chiều dài 1m, chiều cao từ 0,5-0,8m; mỗi con cầy vòi hương trong một ô chuồng”.

Cũng theo ông Thảo, sau khi nuôi từ 12-15 tháng, cầy vòi hương bắt đầu sinh sản, mỗi lần sinh từ 2-4 con và mỗi năm sinh 2 lần. Giá cầy vòi hương thương phẩm hiện dao động từ 1,7-1,9 triệu đồng/kg (trọng lượng mỗi con thường đạt từ 3-4kg); còn giá con giống từ 8-10 triệu đồng/cặp tùy theo tháng tuổi. Ước tính mỗi cơ sở nuôi từ 5-10 cá thể bố mẹ thì sau khi trừ đi chi phí, mỗi năm có thể kiếm được nguồn thu nhập khoảng 100-150 triệu đồng.

Hiện nay, ngoài việc gây nuôi cầy vòi hương theo cách truyền thống thì thực hiện theo khuyến cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Thảo và nhiều cơ sở nuôi cầy vòi hương trên địa bàn tỉnh còn áp dụng mô hình kết hợp trong gây nuôi loài cầy vòi hương với cá trê phi trên cùng diện tích hay còn gọi là mô hình tuần hoàn trong gây nuôi. Theo đó, những hộ có diện tích nuôi rộng thì tận dụng khoảng trống phía dưới của các chuồng nuôi cầy vòi hương sẽ tiến hành bơm nước vào để thả nuôi cá trê phi. Trong quá trình nuôi, thức ăn thừa và phân của cầy vòi hương sẽ làm thức ăn cho cá trê. Qua cách làm này nhằm giúp hộ dân cùng lúc thực hiện được hai mô hình, giảm bớt chi phí đầu tư và tăng thêm nguồn thu nhập trên cùng diện tích.

“Thời gian tới, ngoài tiếp tục duy trì và phát triển mô hình kết hợp trong gây nuôi loài cầy vòi hương với cá trê phi trên cùng diện tích thì tôi còn có ý định thành lập tổ hợp tác (THT) hay hợp tác xã (HTX) để kêu gọi những người cùng đam mê tham gia vào. Riêng những hộ gặp khó khăn về nguồn vốn ban đầu thì tôi sẵn sàng cho mượn 1-2 con giống để nuôi, khi cầy trưởng thành và sinh sản thì hoàn con giống lại cho tôi”, ông Thảo chia sẻ thêm.  

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian qua, việc gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài động vật hoang dã đã và đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu với các loài vì mục đích thương mại như: trăn, rắn, dúi, nhím, cầy vòi hương, heo rừng lai… Riêng hoạt động gây nuôi động vật hoang dã đã góp phần mang lại nguồn thu nhập kinh tế khá cao cho nhiều hộ dân tại huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ... Hiện tại, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang quản lý 288 cơ sở nuôi với 28.329 cá thể động vật hoang dã, trong đó động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và động vật hoang dã nguy cấp thuộc phụ lục CITES gồm có 11 loài, với 16.382 cá thể và động vật hoang dã thông thường gồm có 6 loài với 11.947 cá thể. Trong đó, số hộ đang gây nuôi cầy vòi hương là 177 hộ/1.983 cá thể, chiếm 61,46% tổng số hộ gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.

Ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Đơn vị luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh phát triển. Bên cạnh đó, các hộ gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh đều chấp hành tốt các quy định về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã như: Đăng ký mã số cơ sở, ghi chép sổ theo dõi, lưu trữ hồ sơ nguồn gốc lâm sản, tăng đàn, giảm đàn, vận chuyển…

Hiện cầy vòi hương là loại động vật được gây nuôi khá phổ biến tại Việt Nam nói chung và ở tỉnh Hậu Giang nói riêng. Xuất phát từ những hộ nuôi mang tính tự phát, ban đầu chỉ gây nuôi với hình thức làm kiểng với số lượng nhỏ lẻ, nhưng thời gian gần đây, cầy vòi hương được thị trường đón nhận theo hướng tích cực từ việc bán con giống và con thương phẩm; đặc biệt là giá cả mua, bán loài này tương đối hấp dẫn đối với những hộ gây nuôi, từ đó số lượng cơ sở gây nuôi và số lượng đàn cầy vòi hương trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên. Trong đó, năm 2023 này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh định hướng phát triển loài cầy vòi hương là động vật hoang dã gây nuôi chủ lực.

Từ những tín hiệu tích cực đang mang lại thì tới đây Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở gây nuôi cầy vòi hương nói riêng và động vật hoang dã nói chung trên địa bàn tỉnh cần chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã. Bên cạnh đó là hỗ trợ các cơ sở gây nuôi về thủ tục mua, bán và kỹ thuật nuôi, cũng như nhân rộng các mô hình nuôi kết hợp, nuôi tuần hoàn cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là phối hợp với ngành nông nghiệp một số địa phương trong tỉnh thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí về con giống cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ có nhu cầu gây nuôi từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó là hỗ trợ thành lập mới THT và nâng chất THT lên HTX gây nuôi cầy vòi hương để tạo điều kiện cho bà con góp vốn hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

“Song song với các công việc trên thì đơn vị sẽ thành lập các hội, nhóm trên zalo và facebook với các thành viên là hộ dân đang gây nuôi cầy vòi hương để cùng học hỏi kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc, mua, bán và trao đổi con giống; đồng thời kết hợp điểm mua bán động vật rừng hợp pháp trên địa bàn tỉnh với các cơ sở gây nuôi nhằm tạo đầu ra sản phẩm cho bà con”, ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết thêm.

Theo Báo Hậu Giang