Ông Nguyễn Văn Tấn, thuyết minh cho du khách đến tham quan tại Khu di tích lịch sử, văn hóa Chiến thắng Tầm Vu.
Nơi lưu giữ chiến công
Từ Quốc lộ 1A, rẽ vào Quốc lộ 61 đến với ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, nơi có Khu di tích lịch sử, văn hóa Chiến thắng Tầm Vu. Nơi đây được Bộ Văn hóa - Thông tin, Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào ngày 25-1-1991. Đến đây, du khách được nghe kể về những chiến công oai hùng của quân và dân ta trên vùng đất này.
Theo ông Nguyễn Văn Tấn, người thuyết minh tại Khu di tích lịch sử, văn hóa Chiến thắng Tầm Vu, vào những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, đây là nơi diễn ra các trận đánh theo lối giao thông chiến và đạt được nhiều chiến công vang dội: Tiêu diệt tên đại tá đầu tiên của Pháp trên chiến trường miền Tây và hàng trăm tên địch; thu được khẩu pháo 105 ly đầu tiên trong cả nước và nhiều súng các loại… đóng góp quan trọng cho cuộc cách mạng của ta.
Đặc biệt sẽ được nghe kể câu chuyện cảm động về đôi trâu kéo pháo. Hình ảnh đôi trâu đã được khắc họa trong bức phù điêu, là một trong những điểm nhấn tại đây. “Trong trận Tầm Vu 4 diễn ra vào ngày 19-4-1948, sau khi thu được khẩu pháo 105 ly, quân và dân ta đã sử dụng một đôi trâu để kéo khẩu pháo xuống mé sông Láng Hầm, đưa về căn cứ an toàn. Vì cố quá sức nên đôi trâu đều bị đứt ruột, kiệt sức mà chết”, ông Tấn kể.
Hiện di tích thuộc quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với tổng diện tích khoảng 1,1ha, gồm các hạng mục phòng trưng bày hình ảnh, hiện vật, phòng tiếp khách, tượng đài, phù điêu, khẩu pháo 105 ly, ao sen... Trung bình mỗi tháng, nơi đây đón khoảng 2 đoàn khách và từ 300-500 lượt khách lẻ, đến tham quan và sinh hoạt giải trí trong khuôn viên của khu.
Góp sức làm du lịch
Cách đó không xa, ở ấp So Đũa Lớn, xã Thạnh Xuân, là Khu di tích lịch sử Địa điểm thành lập Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tỉnh Cần Thơ, được xây dựng vào khoảng năm 1990, trên diện tích khoảng 800m2 và được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005. Đến năm 2020, UBND tỉnh thống nhất cải tạo, mở rộng thêm hơn 5.000m2, với tổng mức đầu tư gần 30 tỉ đồng, gồm các hạng mục: Nhà trưng bày, bia di tích, đài tưởng niệm, nhà điều hành và các hạng mục phụ trợ khác,...
Từ sau khi hoạt động trở lại vào đầu tháng 5-2022, đây là điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử của nhiều du khách gần xa. Ông Nguyễn Thanh Vũ, người quản lý di tích này, cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã đón khoảng 30 đoàn khách đến tham quan, về nguồn. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động của địa phương. Ngoài ra, chúng tôi luôn mở cửa để người dân đến đây sinh hoạt giải trí, thể thao, rèn luyện sức khỏe…”.
Ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, chia sẻ: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kết nối các khu di tích lịch sử, văn hóa với các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn. Du khách có thể vừa tìm hiểu, ôn lại truyền thống lịch sử của nơi đây, vừa tham quan những vườn cây ăn trái, trải nghiệm đời sống miệt vườn tại địa phương… Qua đó, góp phần giúp địa phương phát triển trụ cột du lịch”.
Ngoài 2 địa điểm trên, huyện Châu Thành A còn có Tượng đài Chiến thắng Chi khu Một Ngàn, Di tích lịch sử Tòa Thánh Long Châu, là nơi lưu giữ những chiến công, lịch sử hào hùng của quân và dân địa phương, đồng thời góp phần tạo sự đa dạng cho bức tranh du lịch huyện Châu Thành A.
Theo ĐANG THƯ (Báo Hậu Giang)