Hậu Giang: Vị Thanh đổi thay sau Đổi mới

04/03/2023 - 09:24

Từ năm 1996, thị trấn triển khai Chỉ thị 68 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về mô hình phát triển kinh tế tập thể theo xu thế mới. Lúc này, phía xã Hỏa Lựu, tỉnh đầu tư xây dựng nhà máy đường và nhà máy chế biến lúa, gạo với công nghệ hiện đại. Đây là các bước chuyển đổi lạc quan, cho thấy vùng đất Vị Thanh - Hỏa Lựu có sự phát triển mới.

A A

Chợ 1 Tháng 5 những năm sau 1990.

Thị trấn đầu tư ngân sách hoàn thành 15km đường lộ giao thông nông thôn, đường liên xã kinh Vị Bình (17km); đường 19/8 xã Vị Tân (10km). Nhờ đó, xe hai bánh lưu thông được dễ dàng suốt hai mùa trong năm.

 Đời sống nhân dân thị trấn được nâng lên rõ rệt, số liệu kết quả thực hiện năm 1996 cho thấy: Số hộ giàu chiếm 12%, hộ khá 30%; hộ trung bình, đủ ăn 45%. Hộ nghèo, thiếu ăn chỉ còn 13%. Hộ đói không còn. Tỷ lệ hộ sử dụng điện sản xuất và sinh hoạt đạt 48,2% thị trấn.

Năm học 1995-1996 lĩnh vực giáo dục thị trấn tiếp tục gặt hái những thành tựu đáng kể, thu hút 4.298 học sinh, đạt 90% học sinh đến trường trong độ tuổi, 98% số trẻ em 6 tuổi đến lớp. Thị trấn chính thức xóa phòng học tre lá, lớp học 3 ca. Có 5/10 ấp hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ theo chuẩn quốc gia.

Đối với công tác chăm sóc sức khỏe đến năm 1996, các chương trình y tế quốc gia đều đạt và vượt chỉ tiêu. Công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ đạt 100%, cơ sở, trang thiết bị được mở rộng, nâng cấp. Thực hiện chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình đạt 131%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,7%.

Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, truyền thanh có nhiều tiến bộ, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị địa phương; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần nhân dân. Thị trấn tham gia đầy đủ hội thi, hội diễn do huyện tổ chức đạt nhiều giải cao. Cuối năm 1996, xét công nhận 1.532 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 30%/tổng số hộ (102% so kế hoạch).

Cùng với toàn tỉnh Cần Thơ, huyện Vị Thanh - thị trấn phát động rộng khắp phong trào xây dựng mô hình ấp văn hóa, xã văn hóa, hoặc danh hiệu ấp an toàn. Ấp 2 và ấp 8 được công nhận danh hiệu ấp văn hóa. Năm 1997, Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa khu trù mật (Vị Thanh - Hỏa Lựu)”, là di tích cấp quốc gia. Đồng thời, xã Hỏa Lựu được tỉnh Cần Thơ công nhận danh hiệu xã văn hóa.

Quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, thị trấn chú ý đến công tác bảo vệ môi trường, kịp thời khắc phục sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng đô thị nông thôn, giải quyết việc làm cho thanh niên. Đặc biệt, chăm lo tốt các gia đình thương binh liệt sĩ, qua công tác xây dựng nhà tình nghĩa.

Năm 1998, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Vị Thanh đạt 22,6%, góp phần nâng cao đời sống văn hóa vật chất, tinh thần người dân; thu nhập bình quân đầu người đạt 506 USD. Trong thành tựu đó, thị trấn Vị Thanh luôn đạt chỉ số kết quả cao so toàn huyện.

Giai đoạn 1987-1999, trước khi tái lập thị xã, thị trấn Vị Thanh đã gặt hái nhiều thành quả quan trọng: Diện tích sản xuất nông nghiệp giữ vững trên 3.000ha; năm 1996 đạt sản lượng 16.500 tấn; năm 1999 tăng lên 3 vụ/năm, đạt 18.900 tấn. Bình quân lương thực đầu người từ 850kg/người/năm 1996, lên 1.300kg/người/năm 1999. Đến năm 1999, đã cải tạo được 237ha vườn tạp (so thời kỳ 1978-1986 là 70ha).

Do sự đánh giá Vị Thanh có vị trí quan trọng, trong quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh Cần Thơ; là trung tâm kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của một số huyện vùng sâu, thuộc 3 tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu... nên ngày 1-7-1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 45/1999 về việc “Thành lập thị xã Vị Thanh và đổi tên huyện Vị Thanh thành huyện Vị Thủy”. Từ giai đoạn này, không còn đơn vị thị trấn Vị Thanh.

Nhìn lại gần 20 năm xây dựng và phát triển (1978-1990), từ giai đoạn đầu, thị trấn đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại do hậu quả chiến tranh nặng nề, cộng với sự xuống cấp đơn vị hành chính. Đặc biệt, phát sinh một số tiêu cực xã hội do chủ trương làm ăn tập thể. Dù trong phạm vi hẹp, nhưng vẫn có thuận lợi nhờ vị trí trung tâm, huyện lỵ của huyện Long Mỹ, rồi huyện lỵ, huyện Vị Thanh... Từ đó, thị trấn đã biết khắc phục khó khăn; phát huy nguồn lực sẵn có tại chỗ, để mở hướng đi lên.

Qua thời kỳ 1987-1999, nhờ chủ trương đổi mới, công nhận kinh tế nhiều thành phần, xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, nên thị trấn Vị Thanh như một cơ thể suy yếu, vừa được hồi sinh. Chiều hướng tích cực là nhân dân phấn khởi đón nhận tinh thần đổi mới, từ Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đi vào cuộc sống.

Về kinh tế, các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đều có chuyển biến mạnh, nhất là hoạt động thương mại, dịch vụ. Sau khi xóa bỏ “ngăn sông, cấm chợ”, nhân dân hưởng ứng, bung ra làm ăn, tạo nên khí thế phấn chấn, nhộn nhịp khắp nơi. Đáng chú ý, gương mặt thị trấn Vị Thanh nhanh chóng thay đổi, nhà phố chỉnh trang, đường lộ nội ô, ngoại ô đều được sửa chữa nâng cấp. Các bến tàu, xe thu hút thêm phương tiện giao thông, lưu thông hàng hóa, hành khách tăng mạnh qua từng năm.

Thị trấn Vị Thanh đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của một huyện lỵ, suốt một thời gian dài. Để rồi, khi chuyển sang giai đoạn mới, nâng cấp thành thị xã, trên vai gánh vác nhiệm vụ càng nặng nề hơn.

Theo Báo Hậu Giang