Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Đồng Tháp tống đạt các quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân bán tài khoản ngân hàng
HẬU QUẢ NẶNG NỀ
Một ví dụ điển hình là trường hợp anh H.V.Q., ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Chỉ vì 3 triệu đồng, anh đã bán tài khoản ngân hàng của mình qua mạng xã hội. Không chỉ vậy, anh còn mượn tài khoản của vợ và ba vợ để bán, thu về tổng cộng 9 triệu đồng. Những tài khoản này sau đó bị các đối tượng xấu lợi dụng vào việc tổ chức nhập cảnh trái phép tại tỉnh Lạng Sơn. Kết quả, anh Q. và 2 người thân phải chịu mức phạt hành chính lên đến gần 128 triệu đồng. Anh Q. chia sẻ: “Lúc đầu, tôi nghĩ dễ dàng kiếm tiền, nhưng giờ thì tôi hối hận vì những hậu quả nghiêm trọng mà gia đình tôi phải gánh chịu”.
Tương tự, tháng 8/2024, 13 cá nhân tại Đồng Tháp đã bán tài khoản ngân hàng với mức giá rẻ, có người chỉ bán 300.000 đồng/tài khoản. Kết quả là bị xử phạt hành chính tổng cộng hơn 500 triệu đồng. Anh N.V.T. ngụ TP Cao Lãnh là 1 trong 13 người bị xử phạt, cho biết: “Thấy các đối tượng đến hỏi mua tài khoản ngân hàng, họ ăn mặc lịch sự nên tôi không cảnh giác, thấy người ta bán, mình cũng bán. Đến khi bị Công an mời lên làm việc, tôi mới biết mình đã tiếp tay cho hành vi phạm pháp”.
Thông qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện các đối tượng mua bán tài khoản ngân hàng thường nhắm đến học sinh, sinh viên, công nhân và người lao động. Những tài khoản được mua lại với giá chỉ từ 150.000 - 700.000 đồng và sau đó được sử dụng để tham gia các hoạt động phạm pháp như đánh bạc trực tuyến.
Thượng tá Phan Văn Minh - Phó Trưởng phòng An ninh Điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Từ đầu năm 2023 đến nay, chúng tôi đã phát hiện 2 đường dây mua bán tài khoản ngân hàng, liên quan đến 700 cá nhân và hơn 1.000 tài khoản được mở ra để bán lại. Những người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án tối đa lên tới 7 năm tù”. Mua bán tài khoản ngân hàng không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đối với những người vi phạm mà còn tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng vào các hoạt động phạm pháp như: lừa đảo, buôn bán hàng cấm, rửa tiền hay tài trợ cho khủng bố.
CẢNH GIÁC VỚI LỜI MỜI DỤ DỖ
Thượng tá Nguyễn Anh Dũng - Phó Trưởng phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh Đồng Tháp, khuyến cáo: “Người dân cần phải cảnh giác trước những lời mời dụ dỗ, bảo vệ thông tin cá nhân của mình và thông báo ngay cho Công an khi phát hiện hành vi mua bán tài khoản ngân hàng”.
Để đối phó với tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đồng Tháp đã tăng cường giám sát các hoạt động mở và sử dụng tài khoản, đồng thời triển khai các biện pháp bảo mật như đối chiếu sinh trắc học. Ngân hàng cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng.
Ông Lại Văn Bé Chín - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đồng Tháp, nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến cáo khách hàng không bán, cho thuê hay mượn tài khoản ngân hàng. Việc sử dụng tài khoản không đúng mục đích là hành vi vi phạm pháp luật và còn làm giảm lòng tin vào hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt”.
Trước những hậu quả nghiêm trọng từ việc mua bán tài khoản ngân hàng, người dân cần phải tỉnh táo, không để bị cám dỗ bởi những lợi ích ngắn hạn. Việc bảo vệ thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn góp phần bảo vệ an ninh trật tự xã hội. Để bảo vệ thông tin tài khoản của mình, mỗi người dân cần cảnh giác bảo mật thông tin tài khoản; thường xuyên thay đổi mật khẩu, đảm bảo mật khẩu đủ mạnh và không dễ đoán; cảnh giác với các cuộc gọi, email hoặc tin nhắn mời làm việc liên quan đến tài khoản ngân hàng.
Theo SÔNG NGÂN - THANH MỸ (Báo Đồng Tháp)