Vượt khó
Năm 2019, du lịch vùng ÐBSCL đón trên 47 triệu lượt khách, tuy nhiên đến năm 2020 lượng khách chỉ còn 28 triệu lượt, giảm hơm 40%. Riêng năm 2021, du lịch của vùng chỉ đón khoảng 23 triệu lượt khách. Phần lớn lượng khách này là ở 3 tháng đầu năm. Doanh thu du lịch của vùng năm 2019 là gần 30.000 tỉ đồng, năm 2020 chỉ còn 22.000 tỉ đồng. Ðến năm 2021 giảm còn 9.500 tỉ đồng, chưa đến 50% của năm trước đó. Cụ thể, cụm phía Tây (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang) - nơi chiếm hơn 2/3 lượng khách và doanh thu du lịch của vùng, chịu ảnh hưởng nặng nề. Năm 2019, tổng lượt khách du lịch Cụm phía Tây ÐBSCL đạt hơn 33 triệu lượt, chiếm 73% tổng lượt khách du lịch của vùng ÐBSCL; doanh thu đạt hơn 24.000 tỉ đồng, chiếm 82% doanh thu du lịch của ÐBSCL. Nhưng đến năm 2020, tổng lượt khách chỉ gần 22 triệu lượt, năm 2021 có 12 triệu lượt khách. Tổng doanh thu từ du lịch cụm phía Tây vào năm 2020 là gần 19.200 tỉ đồng, đến năm 2021 chỉ còn hơn 9.300 tỉ đồng. Ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Hai năm qua hoạt động du lịch của tỉnh Tiền Giang bị ảnh hưởng rất nặng nề, gần 1.400 cơ sở kinh doanh du lịch tạm dừng hoạt động, khoảng 6.000 lao động trực tiếp trong ngành mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập”.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các tỉnh, thành vẫn không ngừng thích ứng và tìm các giải pháp để vượt khó. Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bến Tre, cho biết: “Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Bến Tre đã tiên phong triển khai thí điểm mô hình du lịch “Vùng xanh xứ dừa” tại 3 xã. Ðồng thời xây dựng bộ tiêu chí an toàn: khách hàng xanh, điểm đến xanh, dịch vụ xanh; đi đúng hướng và bắt kịp nhu cầu thị hiếu của du khách. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp làm mới sản phẩm, không gian xanh. Hiện các sản phẩm này rất được các đơn vị lữ hành đón nhận. Song song quá trình xây dựng sản phẩm du lịch, chúng tôi tập trung cho đào tạo nhân lực, ứng dụng du lịch thông minh trong quảng bá du lịch địa phương”.
Bà Quảng Xuân Lụa, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, chia sẻ: “Kể từ tháng 10-2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc và kế hoạch phục hồi, thu hút khách du lịch nội địa. Chúng tôi cũng tập trung vào các hoạt động xây dựng các sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù để thu hút du khách. Tín hiệu tích cực là trong 2 tháng đầu năm 2022, Kiên Giang đón trên 1 triệu lượt khách”. Chia sẻ về sản phẩm mới, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc phụ trách mảng vui chơi giải trí Vinpearl Phú Quốc, cho biết: “Trong 2 năm qua, chúng tôi không ngừng tập trung đầu tư cho sản phẩm mới ở các địa phương, nhất là ở Phú Quốc. Trong đó nổi bật là Grand World được biết đến là “thành phố không ngủ” tại Phú Quốc United Center đang rất thu hút nhiều du khách”. Trong khi đó, đại diện từ Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Trà Vinh cho biết, địa phương đang tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái gần gũi thiên nhiên, du lịch cộng đồng như: hệ thống các cồn Hô, cồn Chim… nổi bật với các sản phẩm du lịch xanh thuận thiên, mô hình “con tôm ôm cây lúa”…đang rất được nhiều đơn vị lữ hành quan tâm.
Hợp lực tìm giải pháp
Khó khăn của du lịch ÐBSCL hiện nay là nguồn khách và nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Du lịch Hồng Hiếu (Hieutour Co., Ltd), cho biết: “Vấn đề trăn trở của chúng tôi hiện nay chính là sản phẩm và nhân lực ở vùng. Các sản phẩm du lịch ở ÐBSCL chưa tạo được sự liên kết. Do đó, chúng ta cần phải ngồi lại cùng nhau giữa cơ quan đầu ngành, các doanh nghiệp du lịch để mổ xẻ và xây dựng sản phẩm liên kết mang tính đặc trưng nhất để ÐBSCL thực sự là điểm đến sinh thái. Tôi cho rằng chúng ta cần định hướng xây dựng những gói dịch vụ để 13 tỉnh, thành ÐBSCL tìm giá trị chung, tiếng nói chung cho lợi ích cộng đồng thì mới phát huy được hiệu quả liên kết”. Gói liên kết theo ông Nguyễn Hồng Hiếu là kết hợp giữa các điểm tham quan, lưu trú và các dịch vụ hữu quan với mức giá ưu đãi nhất và gói này chỉ dành cho các doanh nghiệp du lịch tại khu vực ÐBSCL. Ðiều này sẽ tạo được màu sắc riêng cho du lịch ÐBSCL khi thu hút du khách về các địa phương. Một số sản phẩm du lịch mà đơn vị định hướng khai thác trong thời gian tới là các sản phẩm du thuyền từ Cần Thơ đến Phú Quốc, các hành trình kết nối đường bay từ Cần Thơ, hay các chương trình liên kết từ đường bộ qua các cửa khẩu ở vùng ÐBSCL. Trong đó nổi bật là chương trình caravan tour kết nối ÐBSCL với Thái Lan, Campuchia, Singapore, Malaysia.
Về kết nối liên kết hàng không với du lịch, ông Ðặng Minh Việt, Trưởng đại diện Vietnam Airlines tại Cần Thơ, cho biết: “Vietnam Airlines đã chuẩn bị sẵn sàng khôi phục lại các đường bay phục vụ du khách. Hiện các đường bay quốc nội đã mở lại hầu hết các tuyến như trước dịch. Các đường bay quốc tế đã kết nối bay thường lệ với 15 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dự kiến, từ tháng 3-2022 sẽ mở lại toàn bộ mạng bay quốc tế của hãng khi nhà chức trách cho phép. Riêng ở khu vực ÐBSCL, hiện đơn vị đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với 4 tỉnh, thành: Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau và Trà Vinh. Nội dung hợp tác chính là phối hợp đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, đầu tư thương mại, hàng không, quảng bá điểm đến và khôi phục dịch vụ hàng không nói riêng, ngành Du lịch nói chung. Xây dựng chính sách hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ và ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau một cách hiệu quả”.
Trải nghiệm du lịch cộng đồng tại cồn Chim, Trà Vinh. Ảnh: CTV
Ðể đẩy nhanh tiến độ phục hồi du lịch ở ÐBSCL, từ thực tế hoạt động du lịch ở địa phương, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở VHTT&DL TP Cần Thơ, đề xuất, kiến nghị với Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch ban hành thống nhất quy trình đón khách nội địa và quốc tế; các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp du lịch, người lao động trong ngành; hỗ trợ, kết nối các địa phương tổ chức và triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu du lịch, xúc tiến quảng bá… Hiệp hội Du lịch ÐBSCL phát huy các thông tin chung quảng bá du lịch của ÐBSCL và trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube… Riêng các địa phương, các doanh nghiệp du lịch tích cực tham gia các sự kiện, hoạt động điểm nhấn do các tỉnh, thành phố trong Cụm tổ chức, nhằm thu hút khách du lịch đến ÐBSCL. Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bến Tre, cho rằng: “Ðể gỡ khó và phục hồi du lịch của các địa phương chúng ta cần phải có sự đồng hành cùng doanh nghiệp. Thêm vào đó phải tăng cường sự liên kết giữa 13 tỉnh, thành ÐBSCL với TP Hồ Chí Minh, cùng nhau hỗ trợ tham gia, kết nối quảng bá”. Trên cơ sở này, 13 địa phương cũng ký kết thỏa thuận liên kết, hợp tác phục hồi và phát triển du lịch ÐBSCL trong trạng thái bình thường mới. Nội dung liên kết, hợp tác tập trung trọng tâm một số vấn đề như lĩnh vực thông tin về tình hình phát triển du lịch, xây dựng phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực, kết nối các địa phương tổ chức các hoạt động, sự kiện tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng; xây dựng các gói kích cầu du lịch nội địa với giá tốt…
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, cho biết: “Du lịch ÐBSCL chịu nhiều ảnh hưởng, khó khăn nhưng chúng ta vẫn có những điểm sáng tích cực trong thời gian qua, nhất là các hoạt động du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên phù hợp xu hướng của thị hiếu du khách hậu COVID-19. Ðặc biệt là chúng ta tạo tâm lý an toàn cho du khách mỗi khi đến ÐBSCL. Tuy nhiên, về lâu dài để phục hồi phát triển, cần tìm những giải pháp về các sản phẩm du lịch, chính sách hỗ trợ lực lượng trong ngành, nhất là xây dựng liên minh kích cầu, liên minh hợp tác không chỉ ở nội vùng ÐBSCL mà còn hướng đến các tỉnh, thành lân cận. Qua đó, chúng tôi cũng kỳ vọng đến cuối năm 2022, du lịch ÐBSCL sẽ được phục hồi như trước đó”.
Theo Báo Cần Thơ