Lễ hội bánh quê được tổ chức tại huyện Cao Lãnh thu hút nhiều người dân tham gia
Gắn bó với nghề bánh quê
Để làm được chiếc bánh ngon, người làm bánh không quản sớm tối, từ khâu chuẩn bị bột, đến sửa soạn nguyên liệu, chụm củi, hấp bánh, tỉ mỉ từng công đoạn... Chị Huỳnh Thị Thơ ngụ xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, chia sẻ: “Gia đình tôi làm bánh từ thời bà ngoại, đến mẹ và giờ là tôi, hơn 3 đời gắn bó với nghề làm bánh quê, có được mẻ bánh da lợn, bánh bò, bánh đậu xanh nướng, tôi phải chuẩn bị nguyên liệu từ ngày hôm trước, ra sau vườn cắt lá dứa, bỏ vào túi vải đập nhuyễn để lá dứa ra màu xanh đậm, đẹp. Bột pha với màu tím của lá cẩm, lá dứa, nước cốt dừa và múc từng vá bột đổ từng lớp, từng lớp nối tiếp nhau. 3 giờ sáng phải thức dậy nhóm lửa, hấp bánh. Nghề nối tiếp nghề, kinh nghiệm nối tiếp kinh nghiệm, chiếc bánh da lợn với từng lớp bột, đậu xanh, nước cốt dừa được khéo léo đổ đều tay...”. Chính sự tinh tế của người làm bánh quê đã lay động lòng người thưởng thức, bà Xuân Đào ngụ đường Hùng Vương, TP Cao Lãnh tham gia sự kiện bánh dân gian tại huyện Cao Lãnh, chia sẻ: “Bánh có màu xanh của lá dứa, đậu xanh cà nhuyễn, rất đẹp, vừa nhìn là đã muốn mua. Giờ có nhiều loại bánh nhưng nhìn thấy bánh quê là nhớ lại thuở xưa. Nhờ những người làm bánh quê mà những món bánh này vẫn còn lưu truyền đến nay...”.
Du khách thưởng thức các món bánh tại lễ hội bánh quê
Dù làm bánh quê vất vả, nhưng với mong muốn để tụi nhỏ biết được món bánh quê của ông, bà mình, vậy là nhiều người vẫn lưu giữ nghề làm bánh quê và biến tấu lên một cấp độ mới, trong đó tinh tế hơn, đẹp mắt hơn. Chị Nguyễn Thị Phụng ngụ xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười làm bánh bò nước dừa tươi nổi tiếng ngon, đẹp mắt. Chị Phụng chia sẻ kinh nghiệm: “Để có được những chiếc bánh bò hình bông hoa nhỏ xíu xinh xinh, vị ngọt dịu, tôi phải chuẩn bị kỹ từ khâu làm bột. Pha bột bằng nước dừa tươi chung với đường cát, hoặc đường thốt nốt. Bánh không đổ vào khuôn lớn mà đổ vào khuôn hình hoa mai nhỏ, nên rất tốn công. Khách đặt mua nhiều phải thông báo từ ngày hôm trước vì khi làm phải chuẩn bị nguyên liệu và qua nhiều công đoạn...”. Sự khéo tay khi làm ra từng cái bánh mềm, thơm, ngon đã chinh phục được những người thưởng thức. Chị Phạm Thị Hương ngụ Khóm 2, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, cho biết: “Dù ở chợ, muốn chọn mua bánh không khó, nhưng tôi và gia đình vẫn chọn món bánh của chị Phụng, bởi chiếc bánh vừa đẹp, vừa ngon, béo, mềm, từng lớp bột đẹp kết dính vào nhau. Không chỉ mua để nhà ăn, còn gửi lên TP Hồ Chí Minh biếu tặng cho người quen...”.
Khu du lịch sinh thái Mỹ Phước Thành (TP Cao Lãnh) tổ chức sự kiện buffet bánh quê
Lưu giữ sắc vị quê hương
Những năm qua, với tình cảm trân quý nếp quê truyền thống, chiếc bánh quê hiện diện trên những bàn tiệc giữa giờ trong các hội nghị, hội thảo, những cuộc họp. Chiếc bánh quê được mọi người đón nhận khi hiện diện trên thực đơn buffet từ chính những cơ sở du lịch. Việc lưu giữ hương vị bánh quê không chỉ được gìn giữ từ chính những người phụ nữ nông thôn ngày ngày tần tảo, mà còn được các sở, ngành tỉnh, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội các cấp lưu giữ thông qua việc dùng món bánh quê để đãi tiệc khi tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch quy mô cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc. Như sự kiện Lễ hội hoa Sa Đéc, Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường, Lễ hội bánh quê, bánh dân gian Nam bộ, ẩm thực bánh quê... Và mới đây, Ẩm thực bánh quê, bánh dân gian được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Đồng Tháp đưa vào trường học để giáo dục trải nghiệm cho học sinh.
Chị Trần Thị Lài - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, cho biết: “Làm bánh quê là đem truyền thống của ông, bà nhắc lại cho con cháu ngày nay. Vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nghĩa, trong các kỳ đại hội hoặc các dịp sinh hoạt, các chi hội, tổ hội cùng nhau làm bắp đùm, bánh gói, bánh bò, bánh da lợn, bánh in... để mọi người cùng thưởng thức, lưu giữ hương vị quê nhà cho con cháu mai sau...”. Trong các hội nghị xúc tiến đầu tư, tiệc chiêu đãi, hình ảnh chiếc bánh quê với những màu sắc bình dị thân thuộc đã khơi gợi bao kỷ niệm của nhiều người. Ai cũng muốn thử, tìm lại hương vị cũ, hình ảnh thân thương của chính những người thân. Chính vì vậy, chị Nguyễn Thị Tố Hoa ngụ tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Đồng Tháp có nhiều bánh dân gian, từ màu sắc đến mùi vị đều rất thơm ngon, tôi thấy bánh quê rất ngon, khi đến Đồng Tháp, tôi rất thích thưởng thức bánh quê. Hồi xưa, thời ông, bà, cha, mẹ mỗi khi có đám tiệc đều làm bánh. Đến Đồng Tháp, gặp bánh quê, làm tôi nhớ về những điều xưa cũ, chiếc bánh đơn sơ, mộc mạc, gợi nhớ về ông, bà, cha, mẹ và tuổi thơ của mình...”.
Bánh quê được bạn trẻ đón nhận và thưởng thức
Nắm bắt xu hướng chuộng bánh quê, Khu du lịch sinh thái Mỹ Phước Thành (TP Cao Lãnh) đã bày trí khuôn viên làm bánh quê ngay sảnh đón khách, những ngày cao điểm, nơi đây còn tổ chức tiệc buffet bánh quê với những ý tưởng độc đáo. Anh Nguyễn Phước Thanh - Quản lý Khu du lịch sinh thái Mỹ Phước Thành, TP Cao Lãnh, cho biết: “Chúng tôi tìm những nghệ nhân giỏi làm bánh dân gian mời về làm các loại bánh, có hơn 40 loại bánh được làm trực tiếp phục vụ cho du khách. Bánh không chỉ được trưng bày, giới thiệu, mời dùng thử và cho du khách trải nghiệm tại quầy mà còn được đưa vào thực đơn trở thành món tráng miệng; kết hợp chung với các loại bánh khác, trở thành nét thú vị khi đến với Khu du lịch sinh thái Mỹ Phước Thành. Chúng tôi muốn khơi nguồn lại những dòng bánh dân gian xưa, hiện nay, món bánh quê, bánh dân gian rất được đón nhận, dịp lễ, chúng tôi đón khoảng 1.000 - 2.000 lượt khách, du khách từ các nơi đến rất đông, chúng tôi cảm thấy rất vui...”.
Dù nhịp sống hiện đại vội vã, hình ảnh chiếc bánh quê thân thương như một hoài niệm về miền nhớ, nơi đó có những người thân, với chái bếp, mái nhà tranh đơn sơ, mộc mạc, tha thiết gợi nhớ hoài niệm về tuổi thơ. Chiếc bánh quê đơn sơ tồn tại trong tâm tưởng, vượt qua thời gian, được nâng niu bằng cả tình cảm trân quý của những người phụ nữ tảo tần quanh năm nơi liếp vườn, mảnh ruộng. Đó là một phần hình ảnh tươi đẹp của quê hương - nơi ai đi xa cũng muốn trở về.
Theo C.P (Báo Đồng Tháp)