Các cấp hội nông dân đang tiếp tục nắm bắt nhu cầu để xây dựng mô hình, dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân phù hợp với địa phương. Ảnh chụp trước dịch COVID-19
Nguồn vốn giúp nông dân vươn lên
Mô hình nuôi heo tộc đang được các hộ dân tại xã An Bình (Long Hồ) nhân rộng. Riêng ở ấp An Thạnh (xã An Bình) có 12 hộ nuôi với tổng đàn khoảng 350 con và thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi heo tộc do ông Lê Minh Hùng làm tổ trưởng. Năm 2020 từ nguồn vốn Quỹ HTND của Trung ương (300 triệu đồng), Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ cho tổ hội vay vốn ưu đãi để nâng đàn, từng bước hình thành tổ hợp tác, HTX...
“Thông qua nguồn vay ưu đãi đã giúp bà con có thêm đồng vốn phát triển chăn nuôi. Việc thành lập tổ hội nghề nghiệp còn tạo điều kiện cho các thành viên cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm”- ông Hùng nói.
Năm 2021, Hội Nông dân huyện Vũng Liêm nhận được nguồn ủy thác từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và của tỉnh hội được 4 tỷ đồng. Qua đây, đã thành lập được 20 dự án, đa số là chăn nuôi dê, bò sinh sản và trồng bưởi… các dự án đều có thành lập tổ hội nông dân nghề nghiệp. Bên cạnh, còn thành lập chi hội nghề nghiệp trồng sầu riêng tại xã Thanh Bình với 24 hộ tham gia, các hộ này duy trì sinh hoạt cùng nhau tìm ra những giải pháp, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản. “Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân vay đúng mục đích, đảm bảo phát triển kinh tế…”- ông Nguyễn Văn Cơ Ba- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vũng Liêm cho biết.
Được Huyện ủy và UBND huyện Trà Ôn giao trực tiếp xây dựng dự án mô hình nông nghiệp đô thị trên địa bàn huyện giai đoạn 2018- 2020, Hội Nông dân huyện Trà Ôn đã đề nghị UBND huyện cấp tạm ứng ngân sách cho các hộ tham gia dự án được mượn vốn không lãi suất, hết năm thu hồi chuyển sang hộ khác, thời gian thực hiện 3 năm (2018- 2020). Mỗi năm được hỗ trợ cho mượn là 90 triệu đồng. Năm 2020, khi kết thúc dự án đã thu hồi 270 triệu đồng, hội đã tiếp tục đề nghị UBND huyện cấp thêm 130 triệu đồng cho đủ 400 triệu đồng thành lập dự án Quỹ HTND.
Ông Ôn Thanh Ngân- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trà Ôn cho biết: Hiện, dự án nông nghiệp đô thị của huyện thực hiện ở 2 địa bàn là thị trấn Trà Ôn và xã Thiện Mỹ, trong đó xã Thiện Mỹ thành lập tổ hợp tác trồng hoa bán tết và trong dịp rằm, giúp nông dân nâng cao thu nhập cao so với trước đây nên bà con phấn khởi. Hiện, mô hình này tiếp tục được duy trì và phát triển.
Toàn huyện Tam Bình hiện 6 chi hội nghề nghiệp với 94 thành viên; có 68 tổ hội nghề nghiệp với 782 thành viên tham gia trên các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, cây ăn trái, màu… “Nếu làm tốt, các chi, tổ hội nghề nghiệp và các tổ hợp tác sản xuất sẽ tiến lên thành lập HTX rất thuận lợi. Năm 2021, xã Hòa Lộc có tổ hội nghề nghiệp nuôi dê tiến lên thành lập HTX. Các HTX ra đời đã giúp nông dân tiêu thụ nông sản, không bị ép giá…”- ông Nguyễn Văn Thả- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Bình cho hay.
Phát triển các hình thức kinh tế tập thể
Theo Hội Nông dân tỉnh, Quỹ HTND là hoạt động tín dụng chính sách, đã và đang giúp nhiều hội viên, nông dân mở rộng quy mô sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo việc làm, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Công tác xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh, nhiệm kỳ 2018- 2023, do đó ngay từ đầu năm Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND cấp tỉnh và giao chi tiêu cho các đơn vị cấp huyện tham mưu cấp ủy, UBND cùng cấp bổ sung nguồn vốn Quỹ HTND. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa hoạt động Quỹ HTND đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, hội viên, nông dân nhằm tạo sự đồng thuận, đóng góp, ủng hộ tăng trưởng nguồn vốn.
Đến cuối năm 2021, tổng nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương, tỉnh và nguồn vận động của tỉnh quản lý đạt trên 23,1 tỷ đồng. Qua đây, đã xây dựng được nhiều mô hình, dự án và hầu hết đều triển khai đúng và đầy đủ các thủ tục, đảm bảo quy trình cho vay, xuất phát từ nhu cầu thực tế của hội viên nông dân và yêu cầu công tác hội.
Thông qua dự án vay vốn Quỹ HTND đã gắn kết được các nông dân sản xuất cùng nhóm sản phẩm hình thành các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, HTX gắn với xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, liên kết với công ty, doanh nghiệp, từng bước ý thức được việc sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, tham gia vào các chuỗi giá trị sản phẩm.
Ông Trần Văn Trạch- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhận định: So với các đoàn thể khác, Hội Nông dân có lợi thế là có được nguồn vốn Quỹ HTND, thông qua các tổ vay vốn giúp xây dựng củng cố tổ chức hội và phong trào nông dân. Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo cán bộ chuyên trách Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở, mỗi đồng chí đăng ký xây dựng một chi hội hoặc tham gia sinh hoạt ít nhất một chi hoặc tổ hội để phát huy vai trò nòng cốt trong công tác hội, đồng thời dự kiến 6 tháng sẽ đánh giá kết quả một lần. Nếu làm được thì hoạt động chi, tổ hội sẽ phát triển khá tốt.
Theo NGUYỄN XUÂN (Báo Vĩnh Long)