Khởi nghiệp từ hoa sen

20/05/2022 - 10:03

Tại vòng chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp tiềm năng trong học sinh, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ mở rộng năm 2022 vừa diễn ra, 5 nữ sinh năm nhất ngành Xã hội học, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, đã khiến nhiều người ngạc nhiên với dự án chế tạo các sản phẩm khử khuẩn từ hoa sen. Sản phẩm tiện ích, khả thi, nguyên liệu thân thiện với môi trường và quảng bá đặc sản địa phương, những ưu việt của dự án đã thuyết phục Ban Giám khảo và giành giải Nhất cuộc thi.

A A

Hương và “giấc mơ sen”

“Bộ sản phẩm khử khuẩn từ sen”. Ảnh: Nhóm tác giả cung cấp

Dự án đoạt giải của 5 nữ sinh: Nguyễn Thị Mai Hương, Nguyễn Ngọc Uyên Nhi, Lê Diễm My, Nguyễn Bảo Trân và Đổ Thị Bích Loan. Ngoài đoạt giải Nhất, dự án này còn được trao giải Dự án triển vọng, vì tính khả thi, dễ hiện thực hóa bằng một mô hình kinh tế khởi nghiệp hiệu quả.

Trong 5 nữ sinh, Nguyễn Thị Mai Hương, trưởng nhóm, là người nuôi dưỡng và lan truyền ý tưởng thú vị từ cây sen quê nhà. Mai Hương cho biết: Em quê ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, “thủ phủ” hoa sen đặc trưng quê hương. Lớn lên giữa không gian bao la, bạt ngàn của những cánh đồng sen, chứng kiến cảnh nông dân trồng sen dãi nắng dầm mưa, Mai Hương luôn nghĩ sẽ phát triển một sản phẩm gì đó từ sen Đồng Tháp.

Năm học lớp 11, Mai Hương tiến hành thực hiện dự án chiết xuất tinh dầu từ hoa sen bằng kỹ thuật chưng cất lôi cuốn hơi nước và đoạt giải Ba Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật, giải Khuyến khích Dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Ở tuổi học trò, dự án chỉ dừng lại ở một vài sản phẩm thử nghiệm phục vụ cuộc thi, không được nhân rộng. Dù vậy, Mai Hương luôn nuôi “giấc mơ sen”, quảng bá loài hoa đặc trưng quê hương bằng một sản phẩm tiện ích.

Nữ sinh năng động này kể thêm một chi tiết thú vị về hoa sen. Em vốn yêu bóng đá và thần tượng ngôi sao bóng đá Lionel Messi. Thật thú vị khi Mai Hương phát hiện trên cánh tay của cầu thủ này có xăm một búp sen hồng rất đẹp. Em nghĩ, một cầu thủ từ châu Mỹ xa xôi lại yêu thích loài hoa quốc hồn quốc túy của Việt Nam, là biểu trưng của quê hương Đồng Tháp. Vậy thì là người con của quê hương, em tự đặt ra cho mình trách nhiệm phải chung tay lan tỏa biểu trưng quê hương.

Lên đại học, kết thân với những người bạn thích khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học và nhất là được học tập trong môi trường học thuật, sáng tạo của Trường Đại học Cần Thơ, Mai Hương viết tiếp “giấc mơ sen” của mình và tham gia dự án khởi nghiệp. “Đó là hành trình dài và chỉ mới bắt đầu. Những sản phẩm từ sen sẽ được hoàn thiện, tham gia thị trường và đa dạng sản phẩm mẫu mã hơn nữa. Em tin mình sẽ làm được”, Mai Hương chia sẻ.

Ý tưởng khởi nghiệp

Vẫn dùng kỹ thuật chưng cất lôi cuốn hơi nước điều chế tinh dầu từ hoa sen Đồng Tháp như dự án hồi năm lớp 11, nhưng lần này, Mai Hương cùng các cộng sự đã cụ thể hóa thành sản phẩm. Đó là bộ khử khuẩn, gồm: gel rửa tay, nước xịt khử khuẩn và bánh xà phòng. Trong bộ 3 sản phẩm này, nhóm dùng 100% nguyên liệu thiên nhiên, không dùng chất bảo quản, phụ liệu tạo màu, tạo mùi. Dù sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn hơn đôi chút, nhưng bù lại là tính an toàn, đảm bảo sức khỏe người dùng.

Hoa sen sau khi được thu mua từ nông dân huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nhóm lựa ra phần cánh hoa đem chưng cất để lấy tinh dầu. Sau đó lần lượt phối trộn các chất xúc tác, nguyên liệu thô, để làm ra sản phẩm. Ngoài tinh dầu, trong cánh sen còn chứa nhiều thành phần đóng vai trò là nhân tố bảo vệ, chất chống oxy hóa và bảo tồn axit ascorbic trong tế bào, ngăn cản các tác nhân gây hại, kích ứng da nên tốt cho người sử dụng. Bên cạnh đó, mùi hương từ sen tinh khiết, đem lại cảm giác thư giãn giảm căng thẳng, mệt mỏi, giúp an thần, ngủ ngon, cân bằng cảm xúc… Em Lê Diễm My, đồng tác giả dự án, nói: “Chúng em mong muốn tạo ra thương hiệu mang bản sắc riêng, an toàn và tiện ích, góp phần mang lại nhiều giá trị cho xã hội”.

Để có thành công này, nhóm được sự hỗ trợ về ý tưởng phát triển dự án của thầy Nguyễn Văn Nhiều Em và sự hỗ trợ kỹ thuật của thầy Nguyễn Quốc Trụ, hai giảng viên của Trường Đại học Cần Thơ. Hai thầy thấy được sự tâm huyết, nhiệt tình của nhóm nữ sinh và tính độc đáo, khả thi của dự án nên đã chắp cánh ước mơ khởi nghiệp cho các em.

Mai Hương cho biết: Hiện các sản phẩm đều đã được kiểm định, có thể giới thiệu ra thị trường nhưng nhóm vẫn cần thời gian để hoàn thiện. Cụ thể, các sản phẩm sẽ được chỉn chu từ hình dáng, bao bì đến các tiêu chuẩn công bố sản phẩm theo quy định. Tất cả sẽ được nhóm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ để gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Hiện tại, việc chưng cất tinh dầu, sản xuất sản phẩm vẫn được nhóm thực hiện tại Trường Đại học Cần Thơ. Nhóm kỳ vọng, khi sản phẩm được thị trường đón nhận, sẽ thành lập cơ sở sản xuất ngay tại vùng nguyên liệu Đồng Tháp, mở công ty riêng để khuếch trương thương hiệu.

Mai Hương và các cộng sự rất năng động khi liên hệ với nông dân và đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào. Nhóm có ý tưởng hay khi mẫu mã sản phẩm, hình dáng bánh xà phòng trong thời gian tới sẽ được thể hiện “Bé Sen” - hình ảnh hoa sen cách điệu, bộ nhận diện của tỉnh Đồng Tháp. Các sản phẩm khử khuẩn này dự kiến có giá khoảng 180.000 đồng/bộ. Mai Hương cho biết: “Khách hàng tiềm năng dự kiến của dự án là các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch và quà tặng lưu niệm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tại Lễ hội Sen Đồng Tháp diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21-5, dự án cũng được chọn giới thiệu”.

xxx

Định hướng sắp tới của nhóm còn phát triển thêm nhiều sản phẩm như dầu gội, sữa tắm… từ tinh dầu hoa sen. Hương sen Đồng Tháp rồi sẽ lan tỏa, bay xa… theo “giấc mơ sen” và khát vọng khởi nghiệp, thành công của 5 nữ sinh Trường Đại học Cần Thơ.

Theo Báo Cần Thơ