Nông dân Hậu Giang sắp thu hoạch lúa Thu đông đang đặt nhiều kỳ vọng về vụ canh tác thắng lợi trên các mặt.
Tăng diện tích, năng suất và sản lượng lúa
Hiện nay, tuy nông dân tại một số tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL vẫn còn đang canh tác và chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa Thu đông; thế nhưng, qua ước tính của ngành nông nghiệp các địa phương thì Bộ NN&PTNT đánh giá tình hình sản xuất lúa năm 2023 tại vùng ĐBSCL đạt nhiều thắng lợi.
Ngành nông nghiệp Hậu Giang đang tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo sinh vật hại trên đồng ruộng, từ đó giúp nông dân quản lý, phòng trừ dịch hại hiệu quả.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, cho biết: Để đạt được những kết quả khởi sắc như trên là nhờ tình hình sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL từ đầu năm đến nay có nhiều mặt thuận lợi. Trước tiên là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, cùng sự phối hợp của các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp, cũng như ngành nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL trong việc chỉ đạo sản xuất, tuyên truyền, vận động nông dân tập trung gieo sạ theo khung lịch thời vụ khuyến cáo nhằm giảm nhẹ thiệt hại do dịch bệnh, ảnh hưởng lũ và né tránh hạn, mặn hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác dự tính, dự báo về tình hình sinh vật gây hại trên cây lúa được ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời; trong đó, điển hình là bản tin thời tiết nông vụ được các địa phương triển khai có hiệu quả.
Ngoài những yếu tố trên thì cũng theo đánh giá của Cục Trồng trọt, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được ngành nông nghiệp từ Bộ NN&PTNT đến các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện thường xuyên và đa dạng dưới nhiều hình thức như: tập huấn, tư vấn, hội thảo, tọa đàm, tài liệu bướm, khuyến nông… Đặc biệt, nông dân tăng cường sử dụng giống lúa chất lượng vào gieo sạ và chú trọng chăm sóc đồng ruộng của gia đình, cộng với điều kiện thời tiết, khí hậu cơ bản thuận lợi cho cây lúa phát triển rất tốt nên góp phần đạt năng suất cao, chất lượng tốt.
Ông Dương Văn Nhỏ, ở ấp Trường Bình A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Giống như nhiều năm trước, trong vụ lúa Đông xuân, Hè thu vừa qua và ngay vụ Thu đông chuẩn bị thu hoạch, tôi và bà con ở cánh đồng này đều chọn gieo sạ những giống lúa chất lượng cao (chủ yếu giống lúa OM 18, Đài thơm 8) theo yêu cầu của doanh nghiệp. Việc chuyển từ giống lúa có phẩm chất gạo thấp sang lúa thơm và lúa có phẩm chất gạo cao đã giúp tôi và bà con bán lúa được dễ dàng hơn, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, với việc sử dụng giống lúa cấp xác nhận trong canh tác thì dịch hại trên cây lúa ít nên kéo chi phí đầu tư giảm, năng suất cao và tăng nguồn lợi nhuận khi thu hoạch”.
Qua thống kê của Cục Trồng trọt, tỷ lệ bình quân nông dân tại vùng ĐBSCL sử dụng giống lúa chất lượng cao trong gieo sạ ở các vụ lúa trong năm 2023 đạt hơn 60%; giống lúa thơm và cao sản đạt khoảng 15%, lúa nếp khoảng 10%; giống lúa chất lượng trung bình từ 6-7%; còn lại là giống khác. Riêng tại tỉnh Hậu Giang, tỷ lệ nông dân sử dụng nhóm giống lúa chất lượng cao chiếm khoảng 98%, còn lại là giống lúa thơm và chất lượng trung bình. Trong đó, một số loại giống chủ lực được nông dân Hậu Giang chọn canh tác là OM 18, OM 5451, Đài thơm 8, RVT. Bình quân tỷ lệ sử dụng giống xác nhận của nông dân Hậu Giang trong gieo sạ đạt khoảng 85%.
Giá bán lúa, gạo ở mức hấp dẫn
Bên cạnh những yếu tố trên thì một vấn đề đặc biệt quan trọng làm cho nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL phấn khởi là giá bán trong năm nay tăng mạnh nhờ thị trường xuất khẩu gạo thuận lợi, nhất là từ khi Ấn Độ (nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới) cấm xuất khẩu gạo của nước này nhằm bình ổn giá trong nước và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trong đó, thời điểm giá lúa bắt đầu tăng vọt là từ cuối vụ thu hoạch lúa Hè thu (khoảng giữa tháng 7) và hiện duy trì ở mức cao.
Ông Lương Thanh Tùng, một “cò lúa” đang đi thu mua lúa cho nông dân trên địa bàn huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cho hay: Thị trường xuất gạo thuận lợi, giá bán lúa gạo không ngừng tăng vọt trong những tháng gần đây đã dẫn đến việc các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng lúa gạo trong nước tăng cường liên kết với hộ dân trồng lúa để bao tiêu, thu mua lúa và cam kết thu mua theo giá cả thị trường hoặc giá cố định ngay từ đầu vụ; qua đây giúp nông dân an tâm sản xuất, không lo đầu ra khi vào vụ thu hoạch.
Qua ghi nhận thực tế của nhiều nông dân trồng lúa Thu đông tại Hậu Giang, khi lúa còn gần một tháng mới đến ngày thu hoạch thì có “cò lúa” đến đặt tiền cọc trước để thu mua lúa hàng hóa với giá từ 7.500-7.800 đồng/kg (tùy giống), tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với vụ Hè thu vừa qua.
Anh Mai Văn Mận, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, thông tin: “Tôi làm ruộng gần 20 năm nay, nhưng ở vụ Thu đông đang canh tác, lần đầu tiên gia đình tôi nhận tiền cọc bán lúa cho thương lái với giá 7.700 đồng/kg (giống lúa OM 18) dù còn khoảng 1 tháng nữa mới đến ngày thu hoạch. Trong khi vụ Hè thu vừa rồi, cũng cùng loại giống nhưng bán được giá 6.700 đồng/kg. Cứ nghĩ đợt bán lúa Hè thu vừa rồi là mức giá mơ ước của nông dân, nào ngờ giờ giá lúa đã lấy tiền cọc vụ Thu đông còn cao hơn nên tôi rất phấn khởi. Hiện tôi và bà con ở cùng cánh đồng vui mừng vì giá lúa hấp dẫn và đang tích cực chăm sóc lúa để đạt năng suất cao nhất khi thu hoạch”.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sau thời gian tăng thì khoảng 2 tuần trở lại đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam dần hạ nhiệt do tín hiệu nguồn cung gạo dần ổn định trở lại tại một số quốc gia lớn trên thế giới như Ấn Độ, Bangladesh, Philippines… Do đó, trong những ngày qua tại ĐBSCL, tuy giao dịch thu mua lúa Thu đông đang thu hoạch hoặc đặt tiền cọc đối với những ruộng lúa chuẩn bị cắt giữa thương lái với nông dân vẫn diễn ra nhưng không còn sôi động do thương lái e ngại giá lúa nguyên liệu đang cao, trong khi giá xuất khẩu gạo lại giảm.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, vụ lúa Thu đông năm nay, hiện nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được hơn 26.900ha, vượt 2.400ha so với kế hoạch. Đến thời điểm này, các trà lúa tập trung ở giai đoạn làm đòng đến trổ chín, với khoảng 23.500ha. Qua kết quả thăm đồng mới đây của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện tình hình sinh vật gây hại trên các trà lúa không đáng ngại, lúa đang phát triển tốt nhờ nông dân tích cực chăm sóc. Do đó, với tình hình giá bán lúa đang ở mức hấp dẫn cộng với những tín hiệu tích cực trong sản xuất lúa Thu đông nên nông dân và ngành nông nghiệp tỉnh đang kỳ vọng bà con sẽ có vụ lúa Thu đông thắng lợi về năng suất, giá bán và nguồn lợi nhuận.
Riêng đối với góc độ tiêu thụ gạo, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam cho rằng, tuy giá xuất khẩu gạo đang giảm so với lúc giá đỉnh điểm nhưng hiện (ghi nhận ngày 20-9) vẫn ở mức rất tốt khi đạt 613-617 USD/tấn (gạo 5% tấm), còn gạo 25% tấm thì có giá 598-602 USD/tấn. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao nên tiếp tục mang đến những tín hiệu lạc quan cho người trồng lúa vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Qua rà soát mới đây của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, ước tổng diện tích sản xuất lúa năm 2023 tại vùng ĐBSCL đạt 3,816 triệu héc-ta, tăng 13.180ha; năng suất ước đạt 6,28 tấn/ha, tăng 0,88 tấn/ha và sản lượng ước đạt 23,970 triệu tấn, tăng 416.000 tấn so với cùng kỳ. Trong đó, ở mỗi vụ lúa Đông xuân và Hè thu, nông dân toàn vùng đều xuống giống được hơn 1,47 triệu héc-ta; riêng vụ Thu đông là 680.000ha, tăng khoảng 31.000ha so với cùng kỳ.
Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)