Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: N.H
Sau phiên khai mạc, diễn ra 2 phiên thảo luận với chủ đề: Sản xuất lúa gạo bền vững, gia tăng lợi nhuận cho người nông dân và Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng lúa gạo, nâng giá trị cho hạt gạo Việt Nam. Tại các phiên thảo luận, diễn giả, khách mời cùng trao đổi, thảo luận, nhận diện những điểm nghẽn trong quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa, gạo. Đồng thời tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ, chủ động liên kết, chia sẻ kinh nghiệm để hạt gạo Việt Nam được nâng tầm, nâng giá trị trên thương trường quốc tế, nông dân an tâm với đồng ruộng, ngành lúa gạo phát triển theo hướng bền vững.
Việt Nam được biết đến là cường quốc xuất khẩu gạo với sản lượng xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn gạo/năm. Gạo Việt Nam đã có mặt tại trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ lúa đông xuân 2021-2022 ở ĐBSCL các giống lúa thơm, đặc sản chiếm 33,29%, lúa chất lượng cao chiếm 49,64%, lúa chất lượng trung bình chiếm 7,12%... Qua đó cho thấy, cơ cấu giống lúa đã dịch chuyển từ nhóm giống chất lượng trung bình sang nhóm lúa thơm, đặc sản nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, tính cạnh tranh của thương hiệu gạo Việt vẫn chưa cao và chưa thuận lợi khi vào thị trường cao cấp để bán với giá cao. Bên cạnh đó, hạt gạo Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chủ nghĩa bảo hộ lương thực và lạm phát gia tăng ở khắp các nền kinh tế… Theo các chuyên gia, vấn đề đặt ra cho ngành lúa gạo là cần khơi thông được những “điểm nghẽn” như giống lúa, an toàn thực phẩm, logistics, chi phí vật tư sản xuất đầu vào và công nghệ, vốn cho sản xuất và xuất khẩu…
Theo Báo Cần Thơ