Người dân ngày càng chú trọng việc sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng thủy sản.
Để quản lý tốt chất lượng nguồn nguyên liệu, HTX Kỳ Như, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, đã tự áp dụng quy trình chăn nuôi trên diện tích 3ha của HTX, ngoài ra còn liên kết với các hộ nuôi trong vùng sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích 12ha. Chị Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, cho biết: “Hiện nay, việc kiểm soát chất lượng thủy sản để đảm bảo an toàn là rất khó, vì còn nhiều hộ dân chưa ý thức được sự nguy hiểm khi sử dụng chất cấm. Tình trạng nông dân ở một số địa phương dùng những kháng sinh cấm bừa bãi trong nuôi trồng thủy sản là vẫn còn. Vì vậy, để an tâm và đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định, tôi và các hộ dân xung quanh đều áp dụng quy trình sản xuất riêng, an toàn, phù hợp sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, ngành chức năng cần có biện pháp khuyến cáo bà con mình nên có ý thức về tác hại của việc sử dụng thuốc cấm, nhằm giúp giữ được nguồn nước sạch, bảo đảm nuôi trồng hiệu quả và chất lượng để đáp ứng thị trường xuất khẩu”.
Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, tổng diện tích chăn nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 12.900ha, tập trung nhiều nhất ở Phụng Hiệp với gần 5.800ha, tổng sản lượng thủy sản ước đạt hơn 76.200 tấn. Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, công tác quản lý an toàn thủy sản trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm ngặt và có hiệu quả. Việc thông tin, tuyên truyền; thanh, kiểm tra, lấy mẫu giám sát thực phẩm được thực hiện liên tục, thường xuyên.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản, một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được ngành nông nghiệp và các địa phương chú trọng thực hiện là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng, buôn bán các chất cấm, các hóa chất, kháng sinh ngoài danh mục được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; các hành vi vận chuyển thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Chất lượng, Chế biến, Thị trường và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai lấy mẫu giám sát với tổng số 47 mẫu thủy sản. Từ đầu năm tới giờ chưa có mẫu thủy sản có dư lượng kháng sinh, hóa chất vượt mức cho phép.
Theo Chi cục Chất lượng, Chế biến, Thị trường và Phát triển nông thôn tỉnh, các biện pháp bắt buộc để kiểm soát chất lượng thủy sản từ khâu nuôi trồng, khai thác đến chế biến và tiêu thụ được kiểm soát theo Thông tư 17, Thông tư 38 và Thông tư 32 về việc cơ sở phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phải được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mới được hoạt động. Riêng khâu tiêu thụ, các cơ sở đạt các tiêu chí trên và các sản phẩm sơ chế, chế biến khi bán ra thị trường phải công bố sản phẩm, nhãn mác đầy đủ mới được đưa ra thị trường bán cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến, Thị trường và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng thủy sản cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn về các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, cũng như thường xuyên lấy mẫu giám sát dư lượng vùng nuôi tập trung, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như cá thát lát, lươn,… cũng như liên tục kiểm tra các cửa hàng bán thức ăn thủy sản trên địa bàn và các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh.
“Việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý từ khâu nuôi trồng đến chế biến, nhằm đảm bảo chất lượng và phát triển bền vững ngành thủy sản đã giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao uy tín, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Bên cạnh đó, giúp giữ vững uy tín thương hiệu cho sản phẩm thủy sản của Hậu Giang”, ông Đức thông tin thêm.
Theo MAI THANH (Báo Hậu Giang)