Kiên Giang đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực biên giới

11/04/2023 - 14:19

Với các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia và nhiều cửa khẩu phụ ở khu vực biên giới đất liền giáp nước bạn Campuchia, Kiên Giang có điều kiện thuận lợi mở rộng giao thương, phát triển kinh tế biên mậu. Thời gian tới, Kiên Giang sẽ tập trung phát triển hoạt động thương mại qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Cửa khẩu quốc gia Giang Thành, gắn kết với một số địa phương lận cận để hình thành các cực tăng trưởng năng động...

A A

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN 

Thời gian qua, Kiên Giang đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh Vương quốc Campuchia giáp biên. Tỉnh tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động tại các cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu. Việc giao thương hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và Cửa khẩu quốc gia Giang Thành được duy trì.

“Hợp tác kinh tế biên mậu đã góp phần củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác toàn diện hai bên, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, củng cố quốc phòng, an ninh tại khu vực biên giới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết. 

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn, mặc dù Kiên Giang có những thuận lợi nhất định trong phát triển kinh tế biên mậu nhưng vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Bởi tỉnh nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, bộ của tỉnh còn nhiều khó khăn, các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh đã xuống cấp, hư hỏng, nhất là khu vực biên giới. Hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu, hạ tầng thương mại biên giới của tỉnh còn hạn chế, cơ sở vật chất xuống cấp ảnh hưởng đến hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Việc thu hút đầu tư hạ tầng khu kinh tế gặp nhiều khó khăn. 

Lực lượng hải quan, biên phòng kiểm tra hàng hóa trước khi thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.

Theo quan sát của phóng viên, tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên vào một buổi sáng thứ bảy, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, xuất, nhập cảnh diễn ra bình thường. Việc thông quan chỉ diễn ra vào buổi sáng, đến trưa thưa thớt dần. Anh Hoàng Quốc Cao - tài xế lái xe tải chở 1.700 thùng mì gói chuẩn bị thông quan cho biết, cả tuần người chủ ở TP. Hà Tiên mới thuê chở 1 chuyến hàng, với tiền công 3 triệu đồng/chuyến.

Anh Nguyễn Văn Quang - chủ của một doanh nghiệp ở TP. Hà Tiên nói: “Việc tiêu thụ các mặt hàng thủy sản của các tỉnh giáp biên ít, nhu cầu không cao nên tôi dừng xuất khẩu khoảng 3 tháng qua. Tôi đang tính chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác”. 

Thượng tá Nguyễn Văn Tùng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết, hoạt động xuất, nhập khẩu tại đây khá yên ắng, không như nhiều cửa khẩu quốc tế khác trên cả nước. Mỗi ngày ở đây chỉ có khoảng 10 lượt xe tải, chở tầm 100-200 tấn hàng hóa xuất khẩu qua nước bạn Campuchia. Các mặt hàng xuất khẩu qua nước bạn chủ yếu là các mặt hàng thủy sản đông lạnh, mì gói, nhu yếu phẩm, hàng gia dụng; phía nước bạn xuất khẩu sang nước ta qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên không đáng kể. 

ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, tầm nhìn và quan điểm phát triển của Kiên Giang sẽ dựa trên quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch vùng đã xác định các cực tăng trưởng tại Kiên Giang gồm TP. Phú Quốc, TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên, huyện Giang Thành nằm trong mạng lưới kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế; trong đó Khu Kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, Giang Thành trở thành khu tích hợp đa mục tiêu, phát triển kinh tế biên mậu. 

“Trên cơ sở đó, tỉnh đưa ra quan điểm phát triển kinh tế biên mậu tập trung vào phát triển hoạt động thương mại khu vực biên giới Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Cửa khẩu quốc gia Giang Thành, gắn kết với TP. Phú Quốc, các trung tâm đô thị Kiên Lương và Rạch Giá để hình thành các cực tăng trưởng năng động của tỉnh, làm hạt nhân lan tỏa sang các vùng phụ cận khác để tạo thành một khu vực phát triển kinh tế năng động ở phía tây nam của Tổ quốc”, đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn nói. 

Định hướng đến năm 2050 Kiên Giang sẽ trở thành cửa ngõ thương mại quốc tế hướng biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long và là trung tâm thương mại hướng du lịch và dịch vụ. Phát triển hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại và khu kinh tế cửa khẩu để kết hợp mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Do vậy, Khu Kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và Giang Thành trở thành khu tích hợp đa mục tiêu gồm kinh tế, quốc phòng, an ninh kết hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực phát huy tối đa lợi thế của các cửa khẩu và lối mở hiện có, trong đó ưu tiên đầu tư vào Cửa khẩu quốc gia Giang Thành và Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Giai đoạn 2021-2030 đầu tư, nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Cửa khẩu quốc gia Giang Thành và 1 cửa khẩu phụ là Nha Sáp.

"Đến năm 2050 đầu tư, nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và Cửa khẩu quốc gia Giang Thành, cửa khẩu chính Nha Sáp và 3 cửa khẩu phụ nhằm nâng cao năng lực trong việc trao đổi, thông thương hàng hóa tạo giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu, tạo việc làm cho người lao động, ổn định đời sống người dân khu vực cửa khẩu và địa phương vùng biên giới”, đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn cho biết. 

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết tỉnh sẽ tập trung, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông các khu vực cửa khẩu theo hướng hiện đại và sớm hình thành các khu chức năng trong khu kinh tế cửa khẩu, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương của thương nhân và cư dân biên giới.

Cùng với đó, tăng cường liên doanh, liên kết xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục thuế, hải quan, xuất, nhập khẩu; tận dụng tối đa cơ chế thông quan để giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước đẩy nhanh tiến độ và thủ tục xuất, nhập khẩu hiệu quả.

Kiên Giang sẽ thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu. Duy trì, mở rộng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác trên các lĩnh vực với các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại thăm thân, buôn bán, trao đổi hàng hóa…

Năm 2022, khoảng 194 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Kiên Giang tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu qua biên giới, với kim ngạch xuất khẩu 111,28 triệu đô la Mỹ (USD), tăng 48% so năm 2021; kim ngạch nhập khẩu 67,6 triệu USD, tăng 45% so năm 2021. Ngoài ra, xuất khẩu tiểu ngạch đạt 32,179 tỷ đồng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thực phẩm đóng hộp, tạp hóa các loại, hải sản…; hàng hóa nhập khẩu chủ yếu hải sản, rau, củ, bã bia, hàng tạp hóa…

Theo LÊ VINH (Báo Kiên Giang)