Thực hiện cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Kiên Giang chú trọng phát triển hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, khai thác tiềm năng lợi thế từng vùng, tiểu vùng trên địa bàn.
Qua đó, gắn kết nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nâng cao hiệu quả
Năm 2024, tỉnh Kiên Giang thành lập mới 10 hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; duy trì, nâng cao, phát triển 396 hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả. Tỉnh hỗ trợ nhãn hiệu tập thể và truy xuất nguồn gốc nông sản cho hợp tác xã; sản xuất theo quy trình và giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; xúc tiến thương mại, làm trung gian, cầu nối giới thiệu doanh nghiệp với hợp tác xã hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh nhấn mạnh tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; các nghị định, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư của bộ, ngành Trung ương về nội dung này; chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Nâng cao chất lượng công tác tư vấn, tuyên truyền thành lập hợp tác xã, tư vấn, hỗ trợ thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp đến, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các bộ, ngành liên quan mở các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lý hợp tác xã; thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, chủ trì hỗ trợ hợp tác xã tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại cho hợp tác xã do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức; chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang làm trung gian, cầu nối giới thiệu doanh nghiệp hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với hợp tác xã.
Mặt khác, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, hoạt động có hiệu quả sàn giao dịch để hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã; làm đầu mối hỗ trợ đăng ký chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu thương mại và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các hợp tác xã nông nghiệp; tranh thủ các nguồn lực từ các Bộ, ngành Trung ương và các nguồn lực khác nhằm hỗ trợ hợp tác xã phát triển.
Hợp tác giúp đỡ
Kiên Giang hiện có 453 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 87,45% tổng số hợp tác xã toàn tỉnh; trong đó, có 365 hợp tác xã trồng trọt và 88 hợp tác xã thủy sản; tổng vốn điều lệ hơn 254 tỷ đồng đồng, diện tích canh tác khoảng 64.200ha canh tác, với trên 33.000 thành viên, tạo việc làm cho hơn 3.400 lao động theo thời vụ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn chia sẻ hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp đã giải quyết tốt các quan hệ hợp tác, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, quản lý nguồn lợi thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy doanh thu và lợi nhuận của hợp tác xã chưa cao, nhưng đã giúp thành viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm lượng giống, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, làm tăng năng suất và thực hiện tốt các khâu dịch vụ hỗ trợ như bơm tát, làm đất, thu hoạch, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ sản phẩm giúp giảm chi phí, tăng thu nhập cho thành viên từ 900.000 đồng đến 2,2 triệu đồng/ha/vụ.
Hợp tác xã còn giúp thành viên tiết kiệm được thời gian để tự tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 7B là một trong những điển hình giải quyết tốt các quan hệ hợp tác trong sản xuất. Hợp tác xã này ở ấp Kênh 7B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, thành lập năm 2001, chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 từ tháng 10/2015. Hợp tác xã có diện tích tự nhiên 573ha, trong đó diện tích canh tác lúa 526ha, với 294 thành viên. Hợp tác xã làm dịch vụ bơm tát, quản lý lịch thời vụ gieo sạ, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo cho thành viên; tham gia cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa theo hướng VietGAP, liên kết với các công ty bán vật tư nông nghiệp cho thành viên không tính lãi đến vụ thu hoạch.
Ông Võ Minh Chiếu, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 7B, cho biết trong sản xuất, hợp tác xã sử dụng giống cấp xác nhận làm 2 loại giống chất lượng cao gieo trồng để dễ dàng hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lúa với công ty. Hợp tác xã có diện tích 50ha để sản xuất lúa giống phục vụ cho thành viên.
Kiên Giang đã triển khai cụ thể hóa thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã khá đồng bộ. Cụ thể là đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh như thủy lợi, giao thông nông thôn, điện phục vụ cho bơm tát, xây dựng cánh đồng mẫu lớn... và cùng với việc lồng ghép các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Tiếp đến, trong năm 2023, chất lượng công tác tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện trên 30 cuộc tuyên truyền, tư vấn Luật Hợp tác xã cho 1.200 cán bộ, thành viên hợp tác xã và nông dân tham dự.
Tỉnh hỗ trợ xây dựng 25 phương án sản xuất kinh doanh và các văn bản liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động được nâng lên; công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt nhiều kết quả tích cực đã dần nâng lên cả về trình độ và năng lực quản trị cho cán bộ hợp tác xã đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững. Điển hình như hợp tác xã ở các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao, An Biên, Vĩnh Thuận và vùng Tứ giác Long Xuyên.../.
Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2023, từ đầu năm nhiều mặt hàng nông sản đã có những bứt phá mạnh mẽ và điều này được các chuyên gia dự báo sẽ góp phần quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.