Kiên Giang: Giữ gìn tiếng nói, chữ viết qua các lớp dạy Khmer ngữ

17/08/2023 - 14:57

Kiên Giang có trên 13% dân số là đồng bào Khmer. Vào mùa hè, các chùa Phật giáo Nam tông trên địa bàn tỉnh tổ chức lớp dạy Khmer ngữ cho học sinh, không chỉ cung cấp kiến thức mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ tiếng nói, chữ viết và những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc.

A A

Đến thăm chùa Trà Phọt, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang), từ xa chúng tôi đã nghe tiếng đánh vần của học sinh đang học Khmer ngữ tại chùa. Năm nay, chùa mở lớp dạy Khmer ngữ cho 30 học sinh đều đặn 2 buổi các ngày trong tuần.

Năm đầu tiên đến chùa học Khmer ngữ, em Tiên Mai, ngụ ấp Trà Phọt cho biết: “Em được các vị sư ân cần dạy chữ viết, tiếng Khmer. Hơn 2 tháng, em học được nhiều chữ Khmer và có thêm nhiều bạn mới”.

Dù việc đồng áng của gia đình bận rộn, nhưng từ lúc con nghỉ hè đến nay, hàng ngày vợ chồng anh Danh Thol, ngụ thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) luân phiên chở con đến chùa Sóc Xoài để học Khmer ngữ.

“Vợ chồng tôi không ai biết đọc, viết chữ Khmer. Để con được tìm hiểu giá trị truyền thống của đồng bào Khmer nên dù có bận việc, vợ chồng tôi vẫn dành thời gian đưa các con đi học chữ Khmer”, anh Thol nói.

Học sinh học Khmer ngữ tại chùa Xẻo Cạn (U Minh Thượng). 

Hàng năm cứ vào dịp hè, chùa Đường Xuồng Mới, xã Định Hòa, huyện Gò Quao (Kiên Giang) tổ chức dạy Khmer ngữ cho học sinh. Năm 2023, chùa mở 7 lớp từ lớp 1 đến lớp 4, có trên 200 học sinh đồng bào Khmer trên địa bàn đến học. Các học sinh được chư tăng dạy viết, đánh vần và đọc chữ Khmer.

Trong lớp học chỉ là bàn, ghế cũ, bảng đen với những viên phấn, thế nhưng chùa đã dạy nhiều thế hệ học sinh biết đọc, viết chữ Khmer. “Vào dịp hè, em lại cùng các bạn đến chùa để học chữ Khmer. Sau 2 năm học tập, em có thể đọc, viết chữ Khmer, từ đó em đọc, tìm hiểu văn hóa của đồng bào Khmer”, em Mai Thị Kim Yến, ngụ ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa cho biết.

  Hè năm 2023, toàn tỉnh Kiên Giang có 100% chùa Phật giáo Nam tông Khmer mở 105 lớp dạy Khmer ngữ cho gần 3.000 học sinh. Học sinh tập trung đông tại các chùa Sóc Xoài (Hòn Đất), Cà Nhung, Đường Xuồng Mới (Gò Quao), Thứ Năm (An Biên), Xẻo Cạn (U Minh Thượng).

Việc dạy Khmer ngữ của các chùa không chỉ mang ý nghĩa thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa Khmer; đồng thời giúp học sinh vùng nông thôn có kỳ nghỉ hè thật sự vui tươi và bổ ích.

Vì vậy, vào dịp hè các chùa phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các gia đình cho đến chùa học Khmer ngữ. Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các chùa sẽ hỗ trợ tập, sách, viết và đồ dùng học tập khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các em đi học. 

Đại đức Danh Hoàng Nam - phó trụ trì chùa Xẻo Cạn, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) cho biết: “Năm nay chùa mở 3 lớp dạy Khmer ngữ cho 60 học sinh. Chùa vận động nhà hảo tâm tặng tập, viết để các em an tâm học tập. Việc dạy Khmer ngữ cho học sinh là việc làm thiết thực, giúp đồng bào Khmer giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa”. 

“Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang quan tâm, tạo điều kiện để các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tổ chức dạy Khmer ngữ cho học sinh góp phần thực hiện hiệu quả dự án bảo tồn tiếng nói, chữ viết trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh”, đồng chí Danh Phúc - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết. 

Theo DANH THÀNH (Báo Kiên Giang)