Kiên Giang nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa

25/11/2021 - 09:02

Từ nay đến 2030, tỉnh phát triển, nuôi trồng thủy sản bền vững, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng.

A A

Thu hoạch tôm. (Ảnh minh họa. Hoàng Nhị/TTXVN)

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Kiên Giang xác định phát triển, nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn để trở thành ngành kinh tế chủ lực và quan trọng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, từ nay đến năm 2030, tỉnh phát triển, nuôi trồng thủy sản bền vững, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Hiệu quả kinh tế của ngành hàng này dựa trên việc tổ chức sản xuất phù hợp, đầu tư đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ tiến tiến vào toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm, đưa nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đến năm 2030 đạt khoảng 288.260ha. Tổng sản lượng đạt 484.780 tấn các loại; trong đó, nuôi tôm nước lợ 145.440ha (gồm nuôi công nghiệp-bán công nghiệp, tôm-lúa, quảng canh cải tiến, phấn đấu sản lượng 159.345 tấn); nuôi cua biển 86.590ha, hơn 32.000 tấn; nuôi nhuyễn thể 26.900ha, sản lượng 101.460 tấn; nuôi thủy sản trên biển 14.000 lồng (9,31 triệu m3), khoảng 105.690 tấn. Diện tích còn lại nuôi thủy sản nước ngọt và những đối tượng khác hơn 86.200 tấn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, tỉnh nuôi tôm nước lợ tập trung ở các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng U Minh Thượng và Gò Quao, với các loại hình khác nhau, phù hợp từng vùng sinh thái.

Tỉnh chuyển đất trồng lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trong năm từ 3 tháng trở lên sang mô hình sản xuất tôm-lúa và một phần diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến kém hiệu quả sang nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 20.000-25.000ha.

Đối với nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp, tỉnh phát triển tại các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên và một phần các huyện vùng U Minh Thượng, xây dựng vùng nuôi tôm tập trung ứng dụng công nghệ cao; nuôi tôm-lúa ở các huyện vùng U Minh Thượng và Gò Quao; nuôi tôm quảng canh cải tiến ở các huyện, thành phố ven biển. Tiếp đến, nuôi cua biển tại các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và thành phố Hà Tiên, với hình thức nuôi chuyên canh và nuôi kết hợp cua-tôm-lúa, cua-tôm.

Đối với nuôi nhuyễn thể, tỉnh phát triển ở vùng bãi triều, dưới tán rừng các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh, với các đối tượng có giá trị kinh tế như sò huyết, sò lông, nghêu lụa, hến biển, ốc hương… Nuôi thủy sản lồng bè tại các khu vực ven biển, ven đảo các huyện Kiên Lương, Kiên Hải và hai thành phố Hà Tiên, Phú Quốc, với các đối tượng như cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng…

Ngoài ra, tỉnh phát triển nuôi thủy sản nước ngọt ở các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao và một phần các huyện vùng U Minh Thượng, với các đối tượng có giá trị như lươn, cá thát lát cườm, các loại cá đồng…

Chế biến cá thát lát. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết tỉnh cũng đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; nhất là công nghệ sản xuất giống những đối tượng nuôi đang phụ thuộc vào nguồn giống khai thác tự nhiên để chủ động nguồn giống. Nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp ứng dụng công nghệ mới, năng suất cao, tiết kiệm nước, giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh.

Tỉnh xây dựng, hình thành các vùng nuôi tôm công nghệ cao tại các huyện Kiên Lương, Giang Thành và thành phố Hà Tiên; vùng nuôi cá biển công nghệ cao tại huyện Kiên Hải và thành phố Phú Quốc.

Song song đó, tỉnh hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện khu phức hợp sản xuất tôm ứng dụng công nghệ cao, khép kín toàn chuỗi giá trị, cung ứng đủ các dịch vụ tại chỗ như tài chính, lao động, công nghệ, kho bãi, vật tư, nhà máy chế biến, sàn giao dịch, kiểm soát và chứng nhận chất lượng sản phẩm tại huyện Kiên Lương.

Cùng với đó, tỉnh liên kết, kết nối với các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp và nhà khoa học để nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong phát triển nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh chú trọng phát triển mạnh mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, nuôi sinh thái và những tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu thị trường xuất khẩu; sử dụng mã vạch, mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi, vùng nuôi thủy sản. Tỉnh từng bước đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý sản phẩm thủy sản nuôi đặc trưng từng vùng trên địa tỉnh.

Tỉnh phấn đấu sản xuất giống thủy sản đến năm 2030, đáp ứng 45-50% nhu cầu giống các loài thủy sản nuôi chủ lực; 100% vùng nuôi trồng thủy sản tập trung được kiểm soát môi trường, dịch bệnh và an toàn thực phẩm; diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản được sản xuất theo mô hình hợp tác và liên kết chuỗi đạt trên 20%; lao động nuôi trồng thủy sản được tập huấn đào tạo nghề trên 50%...

Theo LÊ HUY HẢI (TTXVN)