Kiên Giang sẽ có 220.000ha tham gia đề án 1 triệu hecta lúa gạo chất lượng cao

01/12/2022 - 10:42

Chiều 30-11, đoàn công tác Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang về việc xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long.

A A

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Hữu Toàn cho biết, Kiên Giang có tổng diện tích gieo trồng lúa khoảng 702.000 ha/năm. Sản lượng lương thực toàn tỉnh bình quân hàng năm khoảng 4,3 triệu tấn, là địa phương có nhiều lợi thế về ngành hàng lúa gạo chất lượng cao.

Năm 2022, Kiên Giang xây dựng được 693 cánh đồng lớn với 109.332ha, trong đó có 502 cánh đồng lớn có gắn liên kết tiêu thụ, các cánh đồng còn lại đều có thương lái thu mua.

Kiên Giang có 1.229ha lúa đạt chứng nhận hữu cơ, 500ha đạt chứng nhận Global GAP, 1.195ha lúa đạt chứng nhận VietGAP, 2.507ha đạt tiêu chuẩn SRP xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, Kiên Giang gặp khó trong tổ chức sản xuất cánh đồng lớn như sự liên kết giữa các tổ chức nông dân và doanh nghiệp thiếu bền vững, chưa gắn bó lâu dài trong liên kết sản xuất và tiêu thụ; chi phí tư vấn, chứng nhận lúa sản xuất đạt chuẩn cao, tổ chức nông dân không đủ khả năng tài chính để lo chi phí chứng nhận, doanh nghiệp phải chi trả nên giá lúa doanh nghiệp chênh lệch không nhiều so sản xuất thông thường nên nhiều nông dân không duy trì sản xuất đạt chuẩn...

Lãnh đạo Kiên Giang đặc biệt quan tâm đến đề án sản xuất bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để thực hiện đề án, tỉnh phải tính toán năng lực sản xuất, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất của địa phương, dự kiến diện tích tham gia đề án khoảng 220.000ha.

Nông dân huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thu hoạch lúa hè thu 2022. 

Kiên Giang đề xuất cần phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương trong việc tổ chức thực hiện; có cơ chế chính sách về vốn, kết cấu hạ tầng dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia.

Mỗi tỉnh tham gia cần xây dựng một mô hình điểm được đầu tư đồng bộ để nhân rộng, lấy hợp tác xã làm nòng cốt trong tổ chức sản xuất ra nguồn nguyên liệu lúa gạo, doanh nghiệp là đơn vị tham gia liên kết tiêu thụ; các chính sách hỗ trợ tránh chồng chéo với các đề án khác.

Mục tiêu đề án là phải có sản phẩm cụ thể, giá trị cụ thể để chứng minh, thuyết phục Chính phủ đồng ý phê duyệt.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết mục tiêu của đề án đặt ra là phải nâng cao hiệu quả kinh tế của người sản xuất lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính đối với các tổ chức quốc tế. Kết quả của đề án là tạo ra 1 triệu tấn gạo mang thương hiệu.

Đồng chí Lê Thanh Tùng nhấn mạnh đề án đã có những điều kiện cần để thực hiện là đất đai, hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh, năng lực sản xuất của hợp tác xã và doanh nghiệp. Vấn đề còn lại của đề án chính là xây dựng hệ thống tổ chức thực hiện, rà soát cơ chế chính sách hỗ trợ về tín dụng, đầu tư kết cấu hạ tầng để hợp tác xã và doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia...

Theo THÙY TRANG (Bao Kiên Giang)