Kiên Giang: Thưởng thức món ngon cốm dẹp

08/11/2022 - 14:39

Ẩm thực của đồng bào Khmer phong phú và đa dạng, mỗi khi đến dịp lễ, tết quan trọng, người Khmer thường chế biến nhiều món ăn ngon, mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có món cốm dẹp, món ăn truyền thống trong lễ hội Ok Om Bok.

Cốm dẹp không chỉ là món ăn đơn thuần mà còn mang ý nghĩa truyền thống. Trên mâm cúng thần mặt trăng không thể thiếu món cốm dẹp. Cốm dẹp là biểu tượng của niềm vui được mùa.

Chị Danh Thị Hoa Gi, ngụ xã Thới Quản, huyện Gò Quao (Kiên Giang) chia sẻ: “Trước lễ Ok Om Bok, gia đình tôi mua cốm dẹp để trong nhà, đến lễ cả gia đình cùng nhau làm cốm dẹp để cúng thần mặt trăng, cầu mong những điều tốt đẹp, qua đó các con tôi cũng được thưởng thức hương vị món ăn truyền thống của dân tộc”.

Những tháng cuối năm vào kỳ thu hoạch lúa cũng là mùa cốm dẹp. Quy trình làm cốm dẹp rất công phu và tỉ mỉ, chủ yếu làm thủ công nên tốn nhiều thời gian. Để có món cốm dẹp thơm ngon, đồng bào Khmer thường chọn lúa nếp vừa chín tới, lúc đó hạt còn chút sữa ở đầu hạt nếp, đem phơi dưới nắng nhẹ.

Cốm dẹp trộn dừa tạo hương vị khó quên.

Sau đó, các bà, các chị đem rang trong nồi đất. Nếp đã rang chín thơm cho vào cối để giã đến khi những hạt nếp dẹp tách vỏ. Những hạt cốm dẹp làm từ nếp mới sẽ có màu phớt xanh, vị ngọt, dẻo và thơm.

Khâu chế biến món cốm dẹp của người Khmer không quá cầu kỳ, chỉ cần cốm dẹp, dừa nạo, đường, muối là đã tạo nên món ăn ngon. Ai đã một lần thưởng thức món cốm dẹp sẽ khó có thể quên hương vị đặc trưng của món ăn này.

Trộn cốm dẹp với dừa nạo, đường cát thêm chút muối cho đậm đà, có thể thêm nước cốt dừa để cốm béo thơm hơn. Tất cả được trộn đều đậy kín cho thấm gia vị, hạt cốm được thấm nước cốt dừa mềm dẻo và thơm ngon.

Dừa được chọn là dừa rám vỏ, miếng dừa được nạo thành những sợi nhuyễn. Cốm dẹp có màu trắng phớt xanh, màu trắng của dừa kết hợp tạo nên màu sắc đơn giản nhưng hấp dẫn thực khách bởi hương vị khó quên.

Người dân chuẩn bị cốm dẹp cho mâm lễ cúng thần mặt trăng ngày lễ Ok Om Bok.

Nhâm nhi miếng cốm dẹp để cảm nhận hương vị thơm ngon của mùi nếp mới phảng phất, vị béo của dừa, vị ngọt của đường và chút mặn của muối thấm trong từng hạt nếp. Thưởng thức cốm dẹp phải dùng tay mới cảm nhận hết hương vị của món ngon này.

Cốm dẹp là món ăn yêu thích không chỉ của đồng bào Khmer. Ngoài cốm dẹp, đồng bào Khmer còn nhiều món ăn độc đáo, mang hương vị đặc trưng riêng, thể hiện sự phong phú trong ẩm thực.

Theo Báo Kiên Giang