Những chiếc hang sâu dọc liếp dừa, bờ ruộng vùng nước lợ ở miền Tây là nơi ẩn náu của loài ba khía. Nó được xem là đặc sản nổi tiếng của vùng đất này nhưng cách để bắt được ba khía ngon thì không phải ai cũng biết.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng (50 tuổi, ngụ ấp 4 xã Bình Thới, Bình Đại, Bến Tre), một người làm nghề lâu năm, thì chỉ có con ba khóa được bắt khi trong hang mới là ngon nhất.
"Ba khía trốn trong hang là khi chúng có thịt chắc nhất. Con nào càng chắc thì thịt càng ngon. Không kể đực hay cái, chỉ cần thịt chắc đều ngon. Khi ba khía vừa lột xác xong toàn cơ thể chứa đầy sữa béo ngậy là ngon nhất, gọi là ba khía cốm. Thứ nữa là ba khía gạch cũng ngon như cua gạch vậy", ông Dũng cho biết.
Anh Dũng gắn bó với nghề bắt ba khía đã nhiều năm (Ảnh; Nguyễn Cường).
Cũng theo ông Dũng, trên các bờ ruộng, liếp dừa mặc dù hang rất nhiều nhưng không phải hang nào cũng có ba khía. Người bắt phải có kỹ năng phân biệt, đặc biệt phải có kinh nghiệm để tránh mò phải hang có rắn. Có những hang mặc dù có ba khía ở nhưng sâu quá, cứng quá thì người bắt cũng đành bó tay.
Theo kinh nghiệm của ông Dũng, vào độ tháng 9-`10 là khi ba khía ghép đôi, có khi một hang bắt được từ một cặp đến mấy cặp cũng có. Thời điểm đó một người đi bắt một buổi có thể được 6-8 ký ba khía. Với giá giao động quanh mức 70 nghìn đồng/kg, một buổi đi bắt ba khía người dân có thể kiếm được mấy trăm nghìn đồng.
"Mình nói là thu nhập một buổi đi bắt vì không ai đi bắt ba khía được cả ngày cả, nắng, lội bùn hàng mấy cây số nên rất nhanh mất sức, chỉ bắt được một buổi là phải về nghỉ rồi", ông Dũng cười nói.
Để bắt được ba khía, ông Dũng phải nằm nhoài lên bờ ruộng, nằm bẹp xuống mương nước để có thể luồn tay vào những hang sâu. Có những hang quá sâu, nghi ngờ có ba khía to thì ông Dũng phải dùng một chiếc gậy để khều. Đi bắt ba khía nhưng có khi bắt được cá sặc, cá bống sao, cá kèo hay cả cua không chừng.
"Ba khía thì hoàn toàn thiên nhiên chứ không ai nuôi cả. Nhưng mình đi bắt thì phải có ý thức, những con bé quá, những con mang trứng thì phải dưỡng lại để sau này bắt. Bắt ba khía chỉ chọn những con to, chắc thịt thôi", ông Dũng chia sẻ.
Dù một buổi đi bắt ba khía có thể cho thu nhập khá nhưng trong ấp hiện chỉ còn mỗi ông Dũng làm nghề này. Ông Dũng cho biết những "đồng nghiệp" trước đây giờ đều tìm việc khác làm để đỡ vất vả hơn. "Bắt bà khía rất mệt, có khi còn bị rắn cắn. Ba khía cắn cũng rất đau, có lần tôi bị cắn ngay gân tay, bị nhiễm trùng 2 tháng mới khỏi, giờ vẫn còn sưng", vừa nói anh Dũng vừa giơ vết thương ở tay ra "làm chứng". Giờ đây trong ấp có ai muốn ăn ba khía thì lại liên hệ ông Dũng "đặt hàng".
Một số hình ảnh về công việc của ông Dũng:
Phải nằm sát xuống bờ nước để bắt ba khía (Ảnh: Nguyễn Cường).
Có những hang sâu phải chọc cây vào để bắt (Ảnh: Nguyễn Cường).
Hang ba khía (Ảnh; Nguyễn Cường).[Lã
Thành quả gần một giờ đồng bắt ba khía của ông Dũng (Ảnh: Nguyễn Cường).
Theo NGUYỄN CƯỜNG (Dân Trí)