Lão nông xứ bưởi mê đồ cổ

05/09/2023 - 14:41

Mê sưu tầm đồ cổ từ lúc còn thanh niên, đến nay ông Tám Chẳng sở hữu hàng ngàn hiện vật giá trị. Mỗi hiện vật là một câu chuyện, lão nông xứ bưởi Năm Roi tâm huyết sưu tầm và kể lại với những người có cùng đam mê ngoạn cổ.

A A

Ông Tám Chẳng giới thiệu các hiện vật sưu tầm được.

Ông Tám Chẳng tên thật là Nguyễn Văn Chẳng, năm nay 64 tuổi, ngụ ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Từ chợ Mỹ Hòa hỏi đường vào Mộ Địa là lối dẫn vào nhà ông. Ngôi nhà gần chân cầu Mộ Địa, khách dễ dàng nhận ra với kiến trúc nhà Nam Bộ truyền thống, chạm khắc bằng dấu vết thời gian. Hàng cau trước nhà; bàn thờ Ông Thiên được làm bằng rất nhiều tĩn nước mắm, hủ đường, ống nghè... là những nét ấn tượng trước khi bước vào ngôi nhà ba gian bằng gỗ rất đẹp. Ông Tám Chẳng cho biết, ngôi nhà đến đời ông là đời thứ 3, vẫn được trùng tu, chăm chút, như báu vật của dòng họ. Bước vào gian chính, khách choáng ngợp với hàng trăm hiện vật cổ xưa là bàn, ghế, giường, hoành phi, liễn đối, tranh thờ, thủ thờ, nghi thờ... được thiết kế mỹ thuật, trang trọng.

Ông Tám Chẳng vốn trưởng thành trong gia đình khá giả nên còn lưu giữ khá nhiều đồ cổ, xưa của dòng họ. Khi tuổi ngoài 30, ông Tám nghĩ đến chuyện sưu tầm thêm nhiều món đồ cổ xưa để bổ túc cho ngôi nhà. 15 công bưởi Năm Roi gia truyền, ông Tám chăm chút để có huê lợi, thêm kinh phí mà theo đuổi thú chơi. Ông hay căn dặn bà con lối xóm có đồ cổ xưa muốn bán thì ông mua, đừng bán thất lạc đi nơi khác, không bảo tồn được nét đặc trưng văn hóa bản địa. Vậy là hơn 30 năm theo đuổi đam mê, ông Tám Chẳng đã có “gia tài” kha khá.

Trong đó, nổi bật là chiếc giường gỗ cẩn ốc xà cừ rất giá trị, tương tự chiếc giường nổi tiếng của Công tử Bạc Liêu, được ông mua cách đây hơn 20 năm. Thời ấy, chiếc giường được một thương lái ở Vĩnh Long mua của một gia đình giàu có miệt Bến Tre. Lần đầu nhìn thấy chiếc giường, ông Tám Chẳng đã “xao xuyến”, “mất ăn mất ngủ”. Nhiều lần đến ngắm nghía, thưởng thức và ngã giá, ông Tám Chẳng thuyết phục vợ, gom gần cả gia tài với 200 triệu đồng để mua chiếc giường. Nhìn chiếc giường bằng gỗ quý cẩn ốc xà cừ nhẵn mịn, tinh tế, mặt sàn lót đá quý, các thanh đố phía trên được thiết kế rất đẹp, quý phái, ông Tám Chẳng cảm thấy “đáng đồng tiền bát gạo”. Do sàn lót đá quý nên khi nằm ngủ trên giường rất mát mẻ, thoải mái. Ông Tám kể: “Ngoài nằm ngủ như ngủ phòng máy lạnh, chiếc giường còn có một công dụng rất độc đáo mà tôi chưa chắc câu lý giải. Đó là ban đêm khi nằm trên giường, muỗi hiếm khi bay đến. Có lẽ là trong gỗ có mùi kỵ với mũi chăng?”. Chiếc giường hiện được nhiều người có cùng sở thích ngả giá đến 600 triệu đồng nhưng ông không có ý định bán. Với ông, đã đam mê thì vô giá.

Một hiện vật khác dù giá trị không quá cao nhưng cũng là một câu chuyện hay trong hành trình sưu tầm đồ xưa của lão nông xứ bưởi. Cách đây 23 năm, ông Tám Chẳng qua Cần Thơ làm ông trưởng tộc cho một đám cưới, có người kêu ông Tám bán bức hoành phi dài 1,2m, cao 0,8m với giá 20 triệu đồng. Rất mê nhưng không có tiền, ông nhờ người bán “giữ chỗ” ít lâu, ông về chiết 1.000 nhánh bưởi giống bán lấy tiền để sở hữu hoành phi.

Không gian văn hóa Nam Bộ trong ngôi nhà khá giả cách đây gần 1 thế kỷ gần như được thể hiện trọn vẹn trong ngôi nhà của ông Tám Chẳng. Rất nhiều khay rượu, khay trầu, nhạo, bình, tiền xưa... được ông Tám trưng bày phục vụ du khách. Những bộ bàn ghế tuổi đời đến hơn 100 năm vẫn sáng bóng qua thời gian, cho thấy sự chăm chút của chủ nhân. “Đã mê thú chơi này rồi thì chỉ có sắm thêm chứ không nghĩ chuyện bán”, ông Tám nói.

Cách đây khoảng 2 năm, một doanh nghiệp du lịch ở Cần Thơ phát hiện ngôi nhà đầy hấp dẫn của ông Tám Chẳng nên đã kết hợp với ông mở điểm tham quan. Trong hành trình khám phá những vùng đất bên bờ sông Hậu, du khách sẽ ghé nhà ông Tám Chẳng, ăn dĩa trái cây, uống ly nước mát và nghe gia chủ kể về chuyện đời xưa qua những hiện vật trong nhà. Mô hình du lịch này đang tỏ ra rất hiệu quả. Nhờ lối kể lý thú và sức hấp dẫn của cổ vật, nhiều du khách nước ngoài đã bị cuốn hút qua hành trình khám phá. Về nước, họ gửi thư, bưu ảnh đến ông Tám Chẳng, bày tỏ tình cảm với lão nông. Họ cảm phục trước niềm đam mê cổ vật Nam Bộ của ông. Nicolas, một du khách Pháp gửi bưu ảnh đến ông Tám Chẳng từ một vùng đất xa xôi của nước Pháp, viết rằng: “Ông Tám và gia đình quý mến! Cảm ơn ông vì một chuyến viếng thăm ngôi nhà tuyệt vời. Gửi đến ông hình ảnh của quê hương tôi”.

Theo DUY KHÔI (Báo Cần Thơ)