Lẫy lá mai

03/01/2023 - 09:59

Ở vùng đất phương Nam, hầu như nhà nào cũng trồng mai vàng. Mỗi mùa Tết đến, dù bận rộn mấy, cứ độ qua Mùng 10 đến 16 tháng Chạp là nhà nào nhà nấy tranh thủ ra lẫy lá cây mai để cây trổ bông, kịp khoe sắc đúng vào những ngày Tết, điểm tô cho ngôi nhà đón chào mùa xuân mới.

Bước qua trung tuần tháng Chạp, hơn 11 giờ trưa, nắng đã gần tới đỉnh đầu, ông Hai Khanh (ông Châu Văn Khanh, ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) lặt lá gần được hai cây mai trước nhà. Ðã xong công việc đồng áng nên những ngày này ông tranh thủ lẫy lá mai đón Tết. Ông có hơn 10 cây mai vàng trước và bên hiên nhà nên phải lẫy hai ngày nữa mới hết. Ông chỉ vào nhánh mai đang lẫy lá, nói: “Không phải như những cây khác, lẫy lá bình thường, cây mai muốn đẹp thì khi lẫy phải cẩn thận từng lá, không nắm hoặc bứt cả chùm, để tránh làm tướt nụ mai ở đầu cành làm cho mai khi nở sẽ thưa bông không đẹp”.

Thường chỉ có những người lớn tuổi lẫy lá mai, vì những ngày này con cháu còn đang bận rộn công việc.

Ông Hai Khanh có cây mai hơn 10 năm tuổi, có cây 3-4 năm do một tay ông trồng, chăm sóc, uốn tỉa, như thú vui tinh thần lúc nông nhàn. Ông chia sẻ: “Canh lẫy lá mai đến 27, 28 Tết là mai vừa nở, đến 29, 30 trở đi là nở rộ. Ðể cây mai có thể tập trung dinh dưỡng, ra bông đều, đẹp, thường là lẫy lá mai trước Tết 15-20 ngày. Nhưng cũng phải quan sát, nụ trên cây trước khi lẫy lá đã lớn hay còn nhỏ và tuỳ thời tiết trong năm, hoặc rút kinh nghiệm từ năm trước đó mà lẫy lá mai sớm hoặc muộn hơn vài ngày. Nếu dự báo thời tiết nửa tháng cuối năm nắng nóng, trời ấm áp thì chắc chắn mai sẽ nở sớm, mình lẫy lá muộn. Còn năm nay có mưa muộn, trời chuyển lạnh, mai sẽ nở trễ nên cần lẫy lá sớm hơn. Lẫy xong phải bón thêm phân cho cây, xịt thuốc ngừa sâu. Nếu nụ đã lớn thì bớt tưới nước. Còn nụ nhỏ nên siêng tưới để thúc cho mai nở bông đúng ngày Tết”.

Thấy ông vừa trò chuyện, tay vẫn từ từ lẫy lá, tôi nhớ hồi nhỏ mấy chị em tôi và ông nội đứng dưới gốc mai lẫy lá, còn cha tôi lấy ghế trèo lên, lẫy lá ở những cành trên cao và phía ngoài. Thiệt tình là, chỉ lẫy chừng 10 phút là mỏi tay, mỏi cổ, vậy mà gần Tết là háo hức đi theo lẫy lá, dù làm hư lá thì nhiều, nhưng cha và ông nội không rầy tôi. Lúc đó tôi mới biết lẫy lá là để cây không còn nuôi lá mà dành hết chất dinh dưỡng để cung cấp tập trung nuôi dưỡng nụ hoa để hoa nở kịp đón Tết, nên những lần sau tôi cẩn thận hơn.

Mấy năm nay, những ngày giáp Tết, đôi khi ngẫm lại thèm cảm giác cả nhà cùng nhau lẫy lá mai, trò chuyện thật bình yên và hạnh phúc, muốn được trở về với ký ức yên bình, giản dị. Từ khi tốt nghiệp ra trường rồi đi làm, chắc cũng gần 10 năm tôi chưa được cùng cha lẫy lá mai đón Tết. Mấy cây mai đã gần một nửa tuổi tôi, gốc càng ngày càng lớn, mỗi khi Tết đến, hoa nở vàng rực, bướm ong bay đến hút mật, bà con đến chúc Tết đi ngang hàng mai làm cho không khí cũng rộn ràng hơn.

Ông Hai Khanh tâm sự: “Hồi xưa, mấy đứa con tôi còn nhỏ, mỗi lần gần đến Tết là chộn rộn phụ tôi lẫy lá mai. Còn khi trưởng thành rồi, đi làm xa quê, xa nhà mới thấy nhớ. Cả tuần nay, hết đứa này tới đứa khác điện hỏi thăm coi ở nhà lẫy lá mai chưa. Công việc sắp xếp ổn rồi tụi nó về ăn Tết”.

Ông Hai Khanh lẫy lá mai, chờ ngày hoa đón Tết.

Miền Bắc có hoa đào, miền Nam có hoa mai, mỗi loại hoa đều mang vẻ đẹp riêng, nhưng đều có điểm chung là hoa của mùa xuân. Thấy mai, thấy đào là thấy Tết. Từng chùm hoa mai lác đác bung, đúng ngày Tết thì đua nhau nở vàng rực khoe sắc, biểu tượng cho những điều may mắn, tài lộc, an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý trong năm mới.

Dù cuộc sống, xã hội có thay đổi, nhưng ý nghĩa của hoa mai ngày Tết và truyền thống gia đình đoàn viên vẫn giữ vẹn nguyên. Từ giã ông Hai, trên đường về, nhìn những cây mai ven đường, trước nhà dân đã trụi lá, những hàng mai kiểng bán ngoài đường đã chơm chớm nụ vàng, nghe xa xa bài nhạc xuân, bỗng thấy lòng nôn nao.

Ðối với những ai ở vùng quê, lẫy lá mai không chỉ là ký ức đẹp, mà còn mang lại niềm vui và sự gắn kết gia đình. Và có lẽ sẽ khiến nhiều người xa quê thấy xôn xao được về nhà đón Tết./.

Theo THẢO MƠ (Báo Cà Mau)