Các phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa qua hệ thống đường thủy của tỉnh
Tuyến sông Vàm Cỏ Tây thuộc địa phận huyện Thủ Thừa do Trung ương quản lý. Những năm qua, tuyến vận tải đường thủy này có phương tiện lưu thông ngày càng tăng. Nhìn chung, phương tiện lưu thông trên tuyến sông Vàm Cỏ Tây được bảo đảm, thuận lợi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có những mối nguy hiểm.
Qua ghi nhận của phóng viên, ở đoạn giao sông Vàm Cỏ Tây với kênh Tắc Mỹ Phước (địa bàn huyện Thủ Thừa) có vòng xoáy nước rất mạnh, bề ngang hơn 200m. Những năm qua, tại địa điểm này đã xảy ra những vụ ghe, thuyền qua lại bị lật chìm. Mặc dù vậy, khu vực này vẫn chưa có biển báo hiệu giao thông cảnh báo nguy hiểm.
Đối với những người lái tàu, ghe qua lại tuyến sông này nhiều lần, đoạn sông nước xoáy mạnh không còn lạ lẫm. Vì thế, họ thường chú ý quan sát để điều khiển phương tiện thủy di chuyển nép vào phía gần bờ. Thế nhưng, với những người lạ, vì không có biển cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn nên vẫn điều khiển phương tiện đi thẳng giữa dòng và đúng ngay tâm của vùng nước xoáy.
Ông Nguyễn Văn Quyền (xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa) nhiều năm qua thường xuyên điều khiển phương tiện thủy chở hàng nông sản qua lại tuyến sông này. Cứ mỗi lần qua khúc sông xoáy ở sông Vàm Cỏ Tây giao với kênh Tắc Mỹ Phước (đoạn qua huyện Thủ Thừa), ông vẫn cảm thấy sợ. Theo ông, nếu sơ ý đi vào vùng nước xoáy, thiếu kinh nghiệm xử lý thì rất dễ bị chìm bởi nước xoáy ở đó có lực hút rất mạnh.
“Là dân mưu sinh trên sông nước, chúng tôi vẫn thường nhắc nhở đồng nghiệp qua lại đây cẩn thận. Tôi đã quen luồng tuyến đường thủy ở đoạn này nên dù gì cũng có kinh nghiệm để tránh chỗ nước xoáy. Còn với những người mới thì rất nguy hiểm. Rất mong ngành chức năng xem xét, lắp đặt biển hướng dẫn, cảnh báo ở đoạn sông này” - ông Quyền nói.
Anh Ngô Văn Rèo (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), mỗi tháng đều có 2-3 chuyến điều khiển phương tiện thủy chở cừ tràm qua đoạn sông này để đưa đến TP.HCM tiêu thụ. Anh Rèo cho rằng, khu vực nước xoáy sông Vàm Cỏ Tây với kênh Tắc Mỹ Phước thuộc địa phận huyện Thủ Thừa là một trong những điểm nguy hiểm nhất trên hành trình di chuyển.
“Dù đã quen đường nhưng vì không có biển hướng dẫn, cảnh báo nên tôi không để ý và điều khiển phương tiện thủy đi thẳng vào giữa dòng nước xoáy. Sau mấy lần “hú hồn” đó, tôi ghi nhớ để đi nép ở phía trong. Tôi kiến nghị cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá khu vực này và lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn từ xa để người điều khiển phương tiện thấy, biết mà né tránh, chủ động xử lý kịp thời với tình huống nguy hiểm” - anh Rèo kiến nghị.
Ngoài tuyến đường thủy trên, những năm qua, sông Cần Giuộc trở thành tuyến giao thông đường thủy vận tải hàng hóa khá nhộn nhịp, quan trọng không chỉ của tỉnh mà của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ tuyến đường thủy lưu thông qua sông Cần Giuộc sẽ kết nối với các cảng ở TP.HCM. Đây là tuyến vận tải đường thủy do Trung ương quản lý. Ước tính mỗi ngày, có khoảng 300-500 phương tiện tải trọng lớn qua lại, trong đó có cả phương tiện thủy chở hàng hóa trọng tải 2.000-3.000 tấn.
Tuy nhiên, sông Cần Giuộc qua xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc có khúc uốn cong nên tầm nhìn bị hạn chế, trong khi dòng nước chảy xiết nên tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT đường thủy. Dù vậy, tại khu vực luồng tuyến uốn cong này hiện vẫn không có biển cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn.
“Để bảo đảm an toàn khi lưu thông qua đoạn sông Cần Giuộc, ngành chức năng cần rà soát, đánh giá và lắp đặt các biển cảnh báo, hướng dẫn ở khu vực khúc sông uốn cong. Khi có hệ thống biển báo hiệu, cảnh báo đầy đủ, những người điều khiển phương tiện thủy sẽ nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động xử lý tình huống để hạn chế va chạm, sự cố đáng tiếc xảy ra” - anh Nguyễn Văn Tiến, một người điều khiển tàu hàng qua khu vực này, cho biết.
Gần đây, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh rà soát các luồng tuyến giao thông đường thủy trên địa bàn các huyện: Thủ Thừa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, đặc biệt là khu vực kênh Nước Mặn và các tuyến sông: Cần Giuộc, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Đoàn đã ghi nhận những bất cập về hạ tầng, biển báo và điểm tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT đường thủy. Qua đó, sẽ có kiến nghị, đề xuất với ngành chức năng, đơn vị quản lý tuyến đường thủy để có biện pháp giải quyết, xử lý những phát sinh, bất cập về hạ tầng, biển báo.
Theo Trung tá Văn Minh Nông - Trạm trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy Phước Đông (đóng tại địa bàn huyện Cần Đước), thời gian qua, trật tự, an toàn giao thông qua tuyến giao thông thủy do Trạm phụ trách được bảo đảm, không xảy ra TNGT nghiêm trọng, gây hậu quả lớn.
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường thủy phụ trách, Trạm tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp. Cùng với tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, Trạm thường xuyên rà soát, kiểm tra, nắm các nguy cơ có thể xảy ra TNGT đường thủy để phối hợp các cấp, các ngành, đơn vị liên quan có giải pháp phòng ngừa; trong đó có việc kiến nghị lắp đặt các biển cảnh báo, hướng dẫn hoặc xử lý các bất cập về hạ tầng, nạo vét khơi thông dòng chảy.
"Mặt khác, Trạm còn phối hợp các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực đường thủy nội địa; đẩy mạnh tuyên truyền và kiên trì xây dựng văn hóa giao thông đường thủy" - Trung tá Văn Minh Nông nhấn mạnh.
Căn cứ quy định phân cấp quản lý, hiện nay, Sở Giao thông Vận tải được giao quản lý, bảo trì 35 tuyến đường thủy nội địa có chiều dài gần 600km với cấp sông, kênh loại 4 và loại 5. Hàng năm, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về việc ban hành đơn giá đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa.
Cảnh sát giao thông kiểm tra một phương tiện đường thủy
Các tuyến do Trung ương quản lý có tổng chiều dài khoảng 620km. Trong đó, phải kể đến những tuyến chính như các sông: Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cần Giuộc, Bến Lức - Chợ Đệm, Thủ Thừa,... hay các kênh: Tháp Mười số 1, Tháp Mười số 2.
Hiện nay, tỉnh có 18 cảng thủy nội địa; trong đó có 10 cảng phục vụ xếp dỡ hàng hóa, 7 cảng thủy nội địa chuyên dùng, 1 cảng thủy nội địa xăng dầu. Tất cả cảng trên thuộc 2 tuyến trọng điểm và tuyến đường thủy quốc gia là sông Cần Giuộc (1 cảng) và sông Vàm Cỏ Đông (17 cảng).
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 393 bến thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa (304 bến thủy nội địa thuộc đường thủy quốc gia và 89 bến thủy thuộc đường thủy địa phương). Trong đó, có 207 bến thủy xếp dỡ vật liệu xây dựng, 62 bến thủy xếp dỡ nhiên liệu, 42 bến thủy xếp dỡ lương thực - thực phẩm, 35 bến thủy đóng mới, sửa chữa các phương tiện thủy, 47 bến thủy xếp dỡ phân bón và hàng hóa khác. Bên cạnh đó, tỉnh có 136 bến khách ngang sông hoạt động.
Ngoài ra, ở tuyến hàng hải (sông Soài Rạp) của tỉnh có 2 cảng biển là Cảng Quốc tế Long An và Cảng Dầu khí Quốc tế Pacific Petro do Cảng vụ Hàng hải TP.HCM quản lý./.
Theo LÊ ĐỨC (Báo Long An)