Long An: Đình Vĩnh Phong - Nơi lưu giữ cội nguồn

14/12/2021 - 09:23

Đình Vĩnh Phong (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) là ngôi đình cổ của tỉnh, là nơi nhắc nhớ về ông Mai Tự Thừa - người khai mở vùng đất Thủ Thừa. Ở đó có những giá trị văn hóa tốt đẹp đang được lưu giữ và trao truyền cho thế hệ sau.

1. Trưởng ban Quản trị đình Vĩnh Phong - Nguyễn Văn Sang kể, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, một người bạn của ông đang định cư tại nước ngoài có chuyến về quê cùng gia đình và tới thăm ông. Gặp nhau, người bạn nói: “Tôi đã đưa con đi một vòng Tân An, Thủ Thừa, thăm bà con dòng họ nhưng vẫn cảm thấy thiếu thiếu một điều gì! Giờ thì tôi biết rồi, tôi cần đưa con tới thăm đình làng của mình, anh đi với tôi nhé!”.

Ông Sang đồng ý ngay, vì hơn ai hết, ông hiểu về đình Vĩnh Phong như hiểu gia đình mình vậy. Hơn 20 năm là thành viên, rồi tham gia vào Ban Quản trị, được tín nhiệm giữ vị trí Trưởng ban Quản trị đình Vĩnh Phong, ông Sang đã dành tâm sức tìm hiểu và giữ gìn những giá trị cốt lõi của văn hóa đình làng nói chung và đình Vĩnh Phong nói riêng.

Hơn 20 năm làm thành viên, rồi tham gia vào ban Quản trị, được tín nhiệm giữ vị trí Trưởng Ban Quản trị đình Vĩnh Phong, ông Sang đã dành toàn bộ tâm sức tìm hiểu và giữ gìn những giá trị cốt lõi tốt đẹp của văn hóa đình làng nói chung và đình Vĩnh Phong nói riêng. Ảnh: Quế Lâm

Nhắc về đình Vĩnh Phong, ông Sang nói với tất cả sự tự hào. Những chi tiết về thân thế, cuộc đời của ông Mai Tự Thừa gắn liền với sự ra đời của đình được ông Sang nhắc một cách chi tiết và chính xác. Đình Vĩnh Phong tọa lạc thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, vùng đất mang tên người khai mở - ông Mai Tự Thừa.

Ông là người có công mở làng, lập ấp, đình Vĩnh Phong được xây dựng như một sự công nhận về tính hợp pháp của làng thời điểm bấy giờ và tồn tại cho đến ngày nay. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình có vài lần di dời, xây lại, đến năm 1886 thì được xây dựng lại tại vị trí hiện tại, bên bờ rạch Cây Gáo, thị trấn Thủ Thừa.

2. Như bao nhiêu đình làng khác, đình Vĩnh Phong thờ Thần hoàng bổn cảnh. Đình có sắc phong của vua Tự Đức vào năm 1852. Ngoài ra, đình vẫn còn giữ được một số cổ vật có niên đại từ năm 1886: Tấm biển lớn sơn son thếp vàng có 3 chữ Vĩnh Phong Đình, biển đại tự Quốc Thới Dân An, bao lam, câu đối sơn son thếp vàng. Ngoài ra, theo ông Sang, tại đình còn có chiếc trống được làm từ gỗ nguyên khối khá đặc biệt.

Đình Vĩnh Phong nhìn từ bên ngoài

Trong đình, ngoài Thần hoàng bổn cảnh, đình còn thờ Thần nông, Thần hổ, Ngũ Hành nương nương và bậc tiền hiền Mai Tự Thừa. Hàng năm, đình Vĩnh Phong có các lễ cúng lớn là lễ Kỳ Yên (17 - 18 tháng Giêng Âm lịch), lễ giỗ ông Mai Tự Thừa (10/10 Âm lịch) và lễ Vía bà (18 - 19 tháng 2 Âm lịch).

Ông Sang kể, đến hẹn, không ai nhắc ai, người dân tụ họp về đình tổ chức lễ, cúng viếng cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Tất cả lễ cúng tại đình Vĩnh Phong đều lưu giữ được nét độc đáo riêng. Lễ Kỳ yên có tục rước sắc thần. Đoàn rước sắc có lân dẫn đầu, đi theo tuyến đường vòng quanh thị trấn, chiều dài khoảng 3km trước khi trở về đình.

Lễ Vía bà Ngũ Hành có múa bóng rỗi diễn xướng dân gian. Lễ giỗ ông Mai Tự Thừa hàng năm đều có Hội thi Đờn ca tài tử do huyện tổ chức. Sân khấu biểu diễn đặt ngay trong khuôn viên đình, thu hút đông đảo người dân, tài tử. Các nghi thức cúng tế cũng được tiến hành bài bản.

Ông Sang là một trong những người khởi xướng việc phục hồi các nghi thức cúng khi tổ chức lễ tại đình Vĩnh Phong bởi ông mong muốn gìn giữ và tiếp nối những giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại. Ông Sang nói: “Tôi thấy, những giá trị tốt đẹp của đình làng cần phải được gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ sau.

Đình làng từng là đại diện cho làng xã, đó chính là quê hương, nguồn cội, là nơi để nhớ về. Bởi vậy mà năm nào có lệ cúng, bà con địa phương đều tụ họp về đình đông đủ để lạy thần, cầu bình an, hạnh phúc”.

Đình Vĩnh Phong ngày nay được tận dụng làm điểm sinh hoạt văn hóa khu phố, là một trong số ít đình giữ được vai trò là nơi sinh hoạt cộng đồng bên cạnh truyền thống tín ngưỡng của dân tộc. Từ xưa, đình làng vốn là điểm sinh hoạt cộng đồng làng xã nhưng ngày nay, do sự phát triển của xã hội, không gian đình làng dần trở nên không còn phù hợp cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng như trước nên chỉ một số ít đình giữ vai trò là điểm sinh hoạt văn hóa của ấp, khu phố.

Đình Vĩnh Phong đang có dấu hiệu xuống cấp, Ban Quản trị đình đã có đề nghị trùng tu. Ngôi đình cổ vẫn lặng yên bên dòng Vàm Thủ và mang trong mình những giá trị văn hóa của cha ông truyền lại./.

Theo QUẾ LÂM (Báo Long An)