Chủ động phòng ngừa, linh hoạt ứng phó thiên tai

22/05/2025 - 09:05

Thời gian qua, công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai (TT) tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm. Ngành chức năng nâng cao tính chủ động trong việc phòng ngừa, tăng cường cảnh báo sớm và nâng cao năng lực chỉ đạo từ cơ sở, kịp thời khắc phục hậu quả do TT gây ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Người dân cần nâng cao ý thức phòng chống thiên tai.

Chủ động phòng chống

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống TT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục TT luôn được sự quan tâm sâu sát, kịp thời của lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương và Nhân dân, từ đó hạn chế thấp nhất thiệt hại do TT gây ra.

Ban Chỉ huy đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng chống, ứng phó TT. Đồng thời, chủ động thông tin, tuyên truyền, cảnh báo kịp thời bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính tự giác trong cộng đồng dân cư, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng, chống, ứng phó TT.

Song song đó, khai thác tốt trang Web Phòng, chống TT, trang Facebook và hệ thống tin nhắn SMS cấp tỉnh, cấp huyện với 1.792 đầu số. Công tác dự báo, cảnh báo TT của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam về các loại hình TT như bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường... khá chính xác, đúng thời điểm cũng đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, ứng phó với TT.

Ông Hồ Phước Dư- Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mang Thít cho biết: “Phương châm “4 tại chỗ” được Ban Chỉ huy Phòng chống TT và Tìm kiếm cứu nạn huyện và các xã, thị trấn vận dụng có hiệu quả và tích cực chủ động. Hàng năm được tỉnh, huyện đầu tư, nâng cấp, phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi và các công trình công cộng khác là điều kiện thuận lợi để phục vụ công tác phòng, tránh và đã thật sự phát huy tác dụng trong công tác ứng phó với TT.

Ông Trần Nguyễn Anh Tú- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Tài nguyên khoáng sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Ngành chức năng đã làm tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện khắc phục hậu quả, nhất là hỗ trợ thiệt hại, di dời nhà, tài sản, người do sạt lở, giông, lốc gây ra.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để phòng, chống TT, bảo vệ sản xuất và dân sinh; các đê bao kết hợp giao thông nông thôn đã góp phần hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lớn và triều cường. Ngoài ra, đài phát thanh, truyền hình, báo chí, hệ thống loa truyền thanh của xã, ấp, khóm kịp thời truyền tải các thông tin dự báo, cảnh báo TT đến tận người dân.

Tiếp tục nâng cao năng lực ứng phó

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống TT trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc duy trì chế độ thông tin, báo cáo của một số ngành, địa phương thực hiện chưa đảm bảo, chậm thời gian và nội dung còn chung chung, công tác thống kê, lập hồ sơ hỗ trợ thiệt hại do TT gây ra của một số địa phương còn chậm, do đó chưa kịp thời hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.

Trong khi đó, kinh phí dành cho công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục TT còn hạn chế, đặc biệt là khắc phục sạt lở tại các địa phương. 

Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó thiên tai, sản xuất sinh hoạt của người dân được đảm bảo, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó thiên tai, sản xuất sinh hoạt của người dân được đảm bảo, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Tình hình TT diễn biến phức tạp, khó lường, sạt lở bờ sông, kênh, rạch xảy ra nhiều nơi nhưng công tác phòng tránh sự cố này chỉ được thực hiện thông qua cảnh báo là chính, chưa có những công cụ dự báo hiệu quả về nguy cơ sạt lở. Đó là chưa kể, thiếu phương tiện chuyên dùng và lực lượng chuyên nghiệp cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả TT; cơ sở hạ tầng cho phòng, chống TT còn lạc hậu, chưa theo kịp với diễn biến TT, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, phức tạp.

Ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng chống TT và Tìm kiếm cứu nạn sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức tuyên truyền hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình TT phổ biến bằng nhiều hình thức. Đôn đốc thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm phục vụ phòng chống và giảm nhẹ TT nhằm góp phần bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, TT nhằm phục vụ tốt cho công tác phòng, chống, ứng phó khi TT xảy ra. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống TT và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; phát huy tốt phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trong công tác này. 

Hiện toàn tỉnh có 107/107 xã, phường, thị trấn đã thành lập đội xung kích phòng chống TT cấp xã với 9.604 thành viên. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả TT. Khi có TT xảy ra, lực lượng này được huy động kịp thời, nhanh chóng có mặt ngay từ giờ đầu để hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, di dời dân đến nơi an toàn, dọn dẹp cây cối, nhà cửa bị gãy, sập, hư hỏng…

Theo Báo Vĩnh Long