Long An: Muôn sắc hương trong 'đại tiệc' sinh vật cảnh

01/12/2022 - 10:42

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh Long An - Nguyễn Văn Lộc dẫn đoàn SVC Long An đi từ 5 giờ sáng. Đến lúc “bừng con mắt dậy” đã thấy quãng trường trước đại sảnh Trung tâm Hội nghị tỉnh Vĩnh Long tràn ngập các chủng loại SVC. Rừng người rừng hoa. Hoa lan lẫn với các loại cây kiểng hoa và kiểng lá đủ màu rực rỡ! Giăng ngang qua cổng chào là tấm băng rôn hồng và hàng chữ lớn: Hội thi SVC miền Nam mở rộng - Chào mừng 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022) và bức chân dung vị Thủ tướng của lòng dân với nụ cười tỏa lúa vàng rực rỡ chân trời phương Nam.

A A

Bonsai thế thác đổ

Tôi dạo bước tham quan triển lãm ảnh chụp và tranh vẽ chân dung cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tranh và ảnh đều thể hiện dấu ấn ông Sáu Dân trên mọi nẻo đường đất nước, lại có ảnh ông chăm chú ngắm một cây kiểng bonsai và tiểu cảnh nghệ thuật tại Hội hoa xuân Thủ đô Hà Nội vào mùa xuân năm nào. Ảnh đặc tả thần thái ông không chỉ xem hoa cảnh bằng mắt thường mà thưởng thức bằng cả tâm hồn lộng gió quê hương với một tình yêu nghệ thuật SVC.

Chương trình biểu diễn văn nghệ khai mạc Hội thi SVC vừa mở. Tôi bất ngờ khi một bài vọng cổ của Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Long An kiêm nhà thơ cổ điển (Đường luật) - Nguyễn Huỳnh Triều được biểu diễn tại đây. Tác giả bài vọng cổ nói: Ban Tổ chức “đặt hàng” và ông đã đi Vĩnh Long cọ xát thực tế các sân vườn và nghệ nhân SVC, rồi viết lời...

Cùng chung một gốc

Trong lời phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - Nguyễn Thị Uyên Thanh cho thấy, tỉnh đầu tư mạnh cho phát triển kinh tế SVC, không chỉ làm đẹp hình ảnh nông thôn mới mà còn góp phần cải thiện môi trường sống và thu hút khách du lịch. Tỉnh Vĩnh Long cũng xây dựng được nhiều làng nghề SVC, tạo việc làm cho lao động địa phương. Do SVC ngày càng đòi hỏi người nuôi, trồng và chế tác phải sáng tạo nghệ thuật, áp dụng công nghệ cao nên Hội SVC tỉnh Vĩnh Long mời thầy ở các viện, trường đại học có bộ môn SVC về giảng dạy cho những người mới bước chân vào lĩnh vực này.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Vạn - Chủ tịch Trung ương Hội SVC Việt Nam, nhắc lại những lời gởi gắm của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người rất yêu thích nghệ thuật SVC, rằng, mỗi công trình xây dựng, dù công hay tư cũng cần có không gian cho hoa kiểng tô điểm nét đẹp văn hóa và cảnh quan, môi trường xung quanh khối kiến trúc, để “làm cho đất nước càng ngày càng xuân” như lời mong mỏi của Bác Hồ mỗi khi Người phát động Tết trồng cây. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Vạn hết lời ca ngợi những đức tính, phẩm chất cao quý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cho rằng, SVC hướng con người vào chân, thiện, mỹ và tình yêu thiên nhiên. SVC là một phần quan trọng của kinh tế xanh; kêu gọi giới trẻ đừng ngại khởi nghiệp bằng SVC, bởi đã có nhiều người “tay trắng làm nên” vườn SVC có giá trị bạc tỉ.

Bằng những mảnh sành ghép mà thành tiểu cảnh lạ, đẹp

Ngồi bên tôi, một ông nhà vườn ở Tiền Giang chỉ tay ra khu trưng bày SVC, nói ở đó có một ông là dân Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) sở hữu cây tùng kim cương du nhập từ Đài Loan, có người trả giá 9 tỉ đồng nhưng ông ấy chưa bán mà chờ giá gấp đôi. Thật ra, lâu nay, kiểng trị giá bạc tỉ không hiếm. Đó là kiểng có gốc gác của các quan lại triều Nguyễn xửa xưa, mang dáng kỳ, cổ, quái - 3 yếu tố làm nên giá trị của cây kiểng lớn. Kỳ là độc, lạ; cổ như cổ thụ, càng lâu năm càng có giá trị; quái: Xù xì, dị hợm,... Ngoài ra, về mặt tâm linh, người ta chọn cây có giá trị phong thủy để “hứng lộc” vào nhà nên giá nào cũng mua.

Qua phim tư liệu, có thể hình dung, diện mạo SVC tỉnh Vĩnh Long - nơi sản sinh các nhà vườn tạo ra những giống cây hoa, trái và cây kiểng nổi tiếng ở miền Tây với những cảnh nghệ nhân cặm cụi, cần mẫn chế tác, tạo hình nghệ thuật trên các “phôi” cây, đá, gỗ,... Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường là tiến sĩ kinh tế, phát biểu trong phim tư liệu rằng, SVC không chỉ có giá trị văn hóa, nhân văn mà còn có giá trị kinh tế cao. Trong xây dựng nông thôn mới, nhất định không để thiếu SVC; cần phát triển mô hình SVC công nghệ cao mang nhiều hàm lượng chất xám, hình thành những khu du lịch sinh thái vườn, sinh thái SVC để vừa làm đẹp nhà, đẹp phố, vừa kinh doanh.

“Em chỉ là cây bông giấy - đơn sơ, mộc mạc thôi”

Trong Hội thi chào mừng sự kiện trên, hơn 30 tỉnh, thành tham gia, góp hơn 200 gian hàng của nhà vườn và nghệ nhân SVC của từng địa phương. Muôn màu, muôn sắc với muôn hương! Từng dãy hoa lan vương giả bên hoa giấy dân dã vẫn mang vẻ đẹp riêng. Những dãy tiểu cảnh mô phỏng các danh lam thắng cảnh, làng quê, làng chài truyền thống,... thật ấn tượng! Bên kiểng lớn như “anh cả đỏ”, có những chậu bonsai mini chỉ bằng cái chén ăn cơm, ca uống nước mà trồng tốt cả gốc cổ thụ hãm lại cho cực nhỏ, cứ ngỡ như ảnh chụp hay tranh vẽ để chưng trên bàn trà, bàn viết. Nhiều cây kiểng không trồng trong chậu mà đặt bộ rễ và gốc vào bộng cây hay cái khạp, cái chum bể hoặc những mảnh sành, viên đá ghép trông thật dị hợm nhưng chứa đựng một triết lý nhân sinh. Những bộ đồ gỗ tạo hình mỹ thuật và gỗ lũa cũng... “thiên hình vạn trạng”! Cạnh đó là những đồ gốm nung, những hòn đá mỹ nghệ cũng “muôn hình ngàn vẻ”, hút hồn người xem. Nhiều cây kiểng thế chỡm chệ trên cái mảnh bể của lu, hũ, bộng cây trông thật kỳ quái, vậy mà hút hồn người xem phải đắm đuối, mê say.

Tạm biệt quê hương giàu đẹp của cố Thủ tướng Phạm Hùng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Anh hùng Lao động, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã góp phần làm rạng danh trang sử cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Hơn 10 năm trước, tôi về dự lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận, cây cầu dây văng đầu tiên hiện đại nhất trên đất chín rồng. Khi ấy, TP.Vĩnh Long còn là thị xã nhỏ, cảnh quan đô thị sơ sài,..., duy có lòng mến khách thì rất giàu. Giờ đây, Vĩnh Long là một thành phố hiện đại, không thiếu cây lành trái ngọt với những nhà vườn, sân kiểng tạo nét đa văn hóa, phóng khoáng, ngào ngạt hương hoa trái quanh năm,...

Theo QUANG HẢO (Báo Long An)