Long An: Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

02/06/2023 - 09:45

Với phương châm "giảm tới đâu chắc tới đó, không để phát sinh nghèo hoặc tái nghèo", Long An đưa ra nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, phù hợp tình hình thực tế từng địa phương.

A A

Hiện gia đình chị Nguyễn Thị Oanh (bên phải) đã thoát nghèo nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành cùng sự nỗ lực của gia đình

Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2021-2025 triển khai 6 dự án, gồm: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá chương trình. Các dự án này đang được triển khai đến các địa phương.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai cho biết: “Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có điểm khác so với chương trình của giai đoạn trước là từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng chuyển sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu với 3 điểm cốt lõi. Cụ thể, tỉnh tiến hành đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào vùng lõi nghèo, đầu tư vào con người, nâng cao năng lực con người; phương thức hỗ trợ người nghèo chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ từng hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với từng địa phương; về hình thức hỗ trợ người nghèo các vấn đề quan trọng như sinh kế, học nghề, chuyển giao công nghệ, việc làm,...”.

Trên cơ sở các điểm cốt lõi, các cấp, các ngành tập trung thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về giảm nghèo bền vững; huy động tối đa các nguồn lực gắn với thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo bền vững; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, chính sách ưu đãi tín dụng, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc - Kiều Thị Ánh Nguyệt cho biết: “Thời gian qua, Hội tranh thủ các nguồn lực chăm lo cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, Hội triển khai, thực hiện các mô hình hỗ trợ sinh kế như hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm trên cây rau cho 23 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; hỗ trợ 12 con dê giống cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả, đến nay, xã còn 0,67% hộ nghèo và 1,63% hộ cận nghèo”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, anh Đặng Văn Ngà (xã Phước Lâm) không mấy khá giả nhưng với bản tính siêng năng, chịu khó, anh chị vẫn có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, 2 người con lần lượt ra đời, nhất là cả 2 đều không phát triển bình thường, kinh tế gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Chia sẻ với hoàn cảnh này, xã đưa gia đình chị Oanh, anh Ngà vào danh sách hộ nghèo để hưởng các chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước, trong đó, có việc hỗ trợ con giống. Chị Oanh chia sẻ: “Hai con bị bệnh nên tôi phải ở nhà chăm sóc, tất cả chi phí sinh hoạt trong gia đình chỉ dựa vào số tiền làm thuê "ngày có, ngày không" của chồng. Chia sẻ với hoàn cảnh gia đình tôi, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã hỗ trợ 2 con dê giống. Hiện đàn dê ngày càng phát triển, giúp gia đình có thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và thoát nghèo”.

Huyện Châu Thành là địa phương tiêu biểu thực hiện tốt công tác giảm nghèo với 0,53% hộ nghèo, 2,02% hộ nghèo, trong đó, có xã Hòa Phú và Dương Xuân Hội xóa trắng hộ nghèo. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết: “Để đạt kết quả này, huyện triển khai đồng độ nhiều giải pháp như phân công cán bộ, đảng viên, các hội, đoàn thể rà soát nguyên nhân, hỗ trợ từng hộ nghèo, cận nghèo; đẩy mạnh công tác giảm nghèo với nhiều hình thức; thực hiện tốt các chính sách về ưu đãi tín dụng, bảo hiểm y tế, xây dựng nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết, miễn, giảm học phí;…”.

Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn hay giữa các nhóm dân cư. Hiện nay, tỉnh thực hiện tốt các mục đích, ý nghĩa mà Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đề ra./.

Theo LÊ NGỌC (Báo Long An)