Long An: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

25/05/2023 - 14:13

Du lịch nông thôn, chăm sóc sức khỏe (CSSK) đang dần trở thành xu thế được ưa chuộng hiện nay. Đó cũng là định hướng du lịch mà tỉnh Long An hướng tới trong năm 2023. Kết hợp với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), du lịch của tỉnh từng bước thu hút và giữ chân du khách bằng chính đặc trưng của địa phương mình.

A A

Du lịch kết hợp sản phẩm OCOP

Công ty (Cty) TNHH Vườn Nhà Mình (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) chuyên sản xuất các sản phẩm thảo dược CSSK và sắc đẹp từ cây chùm ngây, đinh lăng và một số thảo mộc. Cty có trà chùm ngây được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Từ trước đến nay, định hướng chính của Cty là sản xuất và phân phối sản phẩm, việc phát triển du lịch dựa vào hoạt động sản xuất của đơn vị chưa từng được đề cập tới.

Giám đốc Cty TNHH Vườn Nhà Mình - Phạm Ngọc Anh Tuấn chia sẻ: “Khi tỉnh có định hướng phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP thì chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho việc đón tiếp du khách đến cơ sở tham quan dây chuyền làm ra các sản phẩm OCOP, để du khách hiểu rõ và thêm phần tin cậy sản phẩm của Cty. Phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sức khỏe sẽ giúp khách hàng biết đến sản phẩm của Cty nhiều hơn và giúp sản phẩm vươn xa”.

Đoàn khảo sát của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh đến thăm Công ty TNHH Vườn Nhà Mình trong tháng 5/2023 (ảnh: Anh Quốc)

Theo ông Tuấn, Cty đang trong quá trình chỉnh trang khuôn viên, tạo cảnh quan, đào tạo nhân sự nhằm đem đến cho du khách những trải nghiệm tốt nhất khi ghé thăm Vườn Nhà Mình. Theo dự kiến, khi du khách đến Cty, ngoài việc được nghỉ ngơi trong không gian thoáng mát, trong lành, tìm hiểu về cây thảo dược, tham quan khu vực sản xuất còn được thưởng thức các sản phẩm bánh, trà do Cty sản xuất.

Việc đưa du khách đến tham quan tại các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP là một phần trong kế hoạch xây dựng sản phẩm tour du lịch nông thôn chú trọng CSSK do Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh triển khai trong tháng 5. Mục tiêu của kế hoạch là thiết kế chùm tour du lịch nông thôn chú trọng đến CSSK từng đối tượng, phân khúc khách hàng. Trong đó, giá trị sản phẩm du lịch đặc trưng sẽ được chú trọng. Dự kiến, mỗi huyện sẽ có tour CSSK đặc thù, các cụm huyện có tour liên kết nhằm giữ chân du khách dài ngày tại Long An.

Trong các tour du lịch nông thôn, chăm sóc sức khỏe đều ưu tiên các món ăn tốt cho sức khỏe

Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh - Đỗ Thị Kim Dung cho biết: “Trung tâm vừa tổ chức chương trình khảo sát du lịch sức khỏe tuyến miền hạ. Trong hành trình, có 2 điểm sản xuất sản phẩm được công nhận OCOP: Cty TNHH Vườn Nhà Mình và Cơ sở Miền Tây Xanh (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước). Một trong những yêu cầu của tour vừa rồi là phát huy các sản phẩm OCOP, bảo vệ sức khỏe cho du khách, góp phần hình thành thị trường du lịch mua sắm sản phẩm bảo vệ sức khỏe tại Long An. Chúng tôi sẽ tiếp tục có nhiều chuyến khảo sát khác để tìm ra những tour thực sự phù hợp”.

Phát triển du lịch nông thôn

Việc phát triển du lịch kết hợp sản phẩm OCOP đã và đang được thực hiện hiệu quả trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, chỉ mang tính nhỏ, lẻ và tự phát. Từ trước đến nay, Cơ sở Lạp xưởng Cô Châu (huyện Cần Đước) là địa điểm hết sức quen thuộc của các Cty lữ hành khai thác tour miền hạ của Long An. Trên hành trình về thăm “xứ Chợ Đào”, du khách được ghé Cơ sở Lạp xưởng Cô Châu như một điểm dừng chân nghỉ ngơi và mua về làm quà tặng. Nhờ vậy, sản phẩm OCOP 3 sao lạp xưởng Cô Châu được nhiều người biết đến.

Bên cạnh đó, Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận cũng trở nên quá quen thuộc với “tín đồ” yêu thích du lịch sinh thái, gần gũi với thiên nhiên. Thế mạnh của Cánh Đồng Bất Tận là du lịch CSSK ít nơi nào có được. Đến đây, du khách được tham quan khu vực chế biến dược phẩm, sử dụng thử và mua các sản phẩm OCOP 4 sao sản xuất tại Nhà máy Mộc Hoa Tràm trong khu du lịch.

Chị Trần Hà Trân (du khách từ TP.HCM đến tham quan tại Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận) chia sẻ: “Tôi và những người bạn của mình bây giờ không còn thích đi du lịch xa nữa. Sau thời gian mệt mỏi vì áp lực công việc, chúng tôi chỉ muốn đến những vùng quê yên bình, tận hưởng cảm giác sống chậm và thưởng thức những sản vật của địa phương mà thôi. Chính vì vậy, thời gian gần đây, chúng tôi thường chọn dịch vụ du lịch nông thôn”.

Cánh Đồng Bất Tận là điểm đến gắn liền với nhà máy sản xuất sản phẩm OCOP 4 sao được du khách đặc biệt yêu thích (Ảnh: Khu du lịch cung cấp)

Các mô hình du lịch gắn với sản phẩm OCOP của tỉnh đang nhận được nhiều sự quan tâm, yêu mến của khách du lịch dù hình thức tổ chức còn nhỏ, lẻ. Đó là tiền đề cho việc đẩy mạnh du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Thông tin từ Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh, ngành Du lịch của tỉnh đang trong quá trình phát triển du lịch nông thôn theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thông qua các hoạt động: Khảo sát, xây dựng kịch bản, tư vấn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP,... du lịch của tỉnh đang từng bước hướng tới mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương.

Du khách ngày nay có xu hướng yêu thích du lịch nông thôn bình yên, giản dị và tốt cho sức khỏe (Trong ảnh: Du khách đạp xe tại Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận)

Không chỉ chú trọng khảo sát các sản phẩm OCOP được công nhận, những sản phẩm tiềm năng cũng được quan tâm. Đặc biệt, tùy vào yêu cầu thực tế của thị trường, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh có hướng tư vấn các hộ kinh doanh, Cty lữ hành, đơn vị kinh doanh điểm đến, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP, liên kết tạo chuỗi kinh doanh nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Không chỉ chú trọng các sản phẩm đã được công nhận OCOP, ngành Du lịch tỉnh còn quảng bá, giới thiệu những sản phẩm tiềm năng của địa phương (Trong ảnh: Quảng bá sản phẩm trống Bình An - đang làm hồ sơ xét OCOP 4 sao)

Tính đến hiện tại, toàn tỉnh có 85 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, OCOP là chương trình hiệu quả, thiết thực, góp phần đưa sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của địa phương đến với thị trường tiêu thụ, xây dựng mối liên kết, phát triển kinh tế cộng đồng.

Việc phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP giúp phát huy thế mạnh, góp phần nâng cao thu nhập của người dân các địa phương thông qua việc cung cấp cho du khách những trải nghiệm chân thật và sản phẩm chất lượng trong hành trình./.

Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn trong năm 2023, tỉnh triển khai một số hoạt động:

- Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ OCOP các cấp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh với các nội dung: Phương pháp phát triển, cải tiến sản phẩm, hoàn thiện bao bì, nhãn mác hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng câu chuyện sản phẩm,... nhằm đa dạng hóa các sản phẩm thu hút khách du lịch.

- Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng, triển khai điểm trưng bày, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu,... đặc biệt là 2 trạm dừng chân trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Phối hợp xây dựng điểm nhận diện sản phẩm OCOP tại Co.opmart Tân An nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và khách du lịch trong việc tiếp cận, mua sắm sản phẩm, qua đó, góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà.

(Theo Kế hoạch phát triển du lịch năm 2023)

Theo QUẾ LÂM (Báo Long An)