Chị Lan cho biết: “Làm cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường trải qua nhiều công đoạn từ sơ chế, khử trùng, ngâm, sấy,... cho đến thành phẩm. Trong đó, khó nhất là việc thu mua nguyên liệu gốc, do cà na là loại trái cây theo mùa nên việc phát triển, sản xuất các sản phẩm quanh năm vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, một số giống cà na được chăm sóc để cho trái quanh năm đã giải quyết được tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất".
Chị Trần Thị Ngọc Lan (bên trái) sơ chế cà na
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 2 sản phẩm: Cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đến nay, hộ kinh doanh của chị Trần Thị Ngọc Lan đã có 9 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm: Muối ớt, muối ớt xanh, muối tiêu, tắc xí muội, đá me, chanh đường, chanh muối, cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của chị Lan làm được 120 hũ cà na thành phẩm để giao mối sỉ, lẻ cho các cơ sở kinh doanh, nhà phân phối trên toàn quốc.
Chị Lan chia sẻ: “Để đưa trái cà na chưa qua chế biến đến người tiêu dùng là một điều khó. Muốn được nhiều người biết đến loại trái cây đặc trưng của quê mình thì nó phải thật sự hấp dẫn, thu hút và được cơ quan chức năng công nhận. Vì thế, tôi quyết định sản xuất cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường theo tiêu chuẩn OCOP để cung cấp ra thị trường”.
Gia đình chị Trần Thị Ngọc Lan mạnh dạn đầu tư máy móc để sản xuất cà na theo tiêu chuẩn OCOP
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng về thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến thời điểm hiện tại, huyện Vĩnh Hưng đã có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, gồm: Gạo ĐTM Lài tím, cà na sấy dẻo, cà na ngâm đường.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn cho biết: “Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Phòng đã phối hợp các xã, thị trấn tìm kiếm những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp, do đó, huyện khuyến khích, tạo điều kiện, hướng dẫn các hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh mạnh dạn đăng ký thực hiện chương trình OCOP. Thời gian qua, Hợp tác xã Vĩnh Thuận đã có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đầu tiên là gạo ĐTM Lài tím và hộ kinh doanh Trần Thị Ngọc Lan với 2 sản phẩm từ cà na. Đây là tín hiệu đáng mừng cho các sản phẩm nông nghiệp của huyện. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục rà soát, tìm kiếm những sản phẩm đạt chất lượng, có khả năng cạnh tranh để phát triển theo tiêu chuẩn OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm của nông dân”./.
Theo Báo Long An