Long An: Vui xuân không quên đồng ruộng

27/01/2023 - 18:17

Với điều kiện thời tiết nhiều bất lợi cho cây lúa vào thời điểm trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo nông dân và ngành chuyên môn tại các địa phương vui xuân nhưng không quên đồng ruộng.

A A

Những ngày cận tết, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số cơn mưa trái mùa với lưu lượng vừa và lớn, đặc biệt là vào sáng sớm có sương mù dày đặc trên các cánh đồng lúa vụ Đông Xuân 2022-2023. Thông tin từ ngành Nông nghiệp tỉnh, với tình hình thời tiết như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu, bệnh phát triển và gây hại nặng trên các trà lúa Đông Xuân, nhất là giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ. Do đó, để bảo vệ tốt vụ lúa chính trong năm, nông dân cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa và điều trị đối với các đối tượng dịch hại.

Cán bộ ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương phối hợp nông dân thăm đồng trước, trong và sau tết

Ông Nguyễn Văn Rỡ (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) cho biết: “Hiện lúa của gia đình tôi đã được hơn 40 ngày tuổi và sinh trưởng tốt. Năm nay, độ mặn chưa cao nên không lo thiếu nước sản xuất vào cuối vụ như những năm trước. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến bất thường nên dịch hại trên lúa cũng xuất hiện nhiều hơn. Vì vậy, tôi và nhiều nông dân địa phương thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trị sinh vật gây hại được hiệu quả, hạn chế dịch bệnh”.

Cùng ý thức vui xuân không quên ruộng đồng, ông Nguyễn Văn Điệp (xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Hiện tại, trà lúa của tôi được trên 30 ngày tuổi, chưa xuất hiện sâu, bệnh gì đáng kể và hứa hẹn sẽ cho năng suất cao khi thu hoạch. Tuy nhiên, để an tâm vui xuân, trước tết, tôi phun xịt một đợt thuốc để phòng ngừa sâu, bệnh phổ biến ở giai đoạn này và tăng cường thăm đồng nhiều hơn nhằm theo dõi tình hình phát triển của cây lúa trong dịp tết. Hiện các chi phí đầu tư cho cây lúa đang ở mức cao, nhất là tiền phân bón. Nếu để dịch hại tấn công làm ảnh hưởng đến cây lúa, gây giảm năng suất vào lúc thu hoạch thì tôi sẽ khó có lợi nhuận”.

Mặc dù bận rộn, tất bật với nhiều công việc trước, trong và sau tết, tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế tại nhiều cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh, vào thời điểm này, hầu hết nông dân đều tất bật chăm sóc ruộng lúa của gia đình mình chứ không dám lơ là, bỏ lúa để ăn tết. Bởi thời điểm trước, trong và sau tết, thời tiết khá thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh xuất hiện và gây hại nhiều hơn. Theo chia sẻ của nhiều nông dân thì nếu chỉ mải vui xuân, đón tết mà bỏ quên đồng ruộng, không may có sâu, bệnh tấn công sẽ tốn nhiều chi phí, ảnh hưởng đến năng suất lúa và lợi nhuận khi thu hoạch.

Ngành Nông nghiệp tỉnh dự báo về một số dịch hại có thể xuất hiện trước, trong và sau tết mà nông dân cần chú ý theo dõi, phòng ngừa hiệu quả. Cụ thể, rầy nâu T1-T2 xuất hiện rải rác; ốc bươu vàng, bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn, rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, chuột,... có khả năng gia tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt, rầy nâu, bệnh cháy bìa lá,... có khả năng gia tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn đòng trổ - chín.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, trước tình hình dự báo về sinh vật hại trước, trong và sau tết, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân vui xuân nhưng không quên đồng ruộng. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn của ngành tăng cường thăm đồng và xây dựng kế hoạch về việc tổ chức tập huấn tình hình dịch hại và hướng dẫn biện pháp phòng trừ cho nông dân từ trước tết đối với các khu vực được dự báo về tình hình dịch hại có nguy cơ bùng phát cao; đồng thời, cần chú ý các vùng có trồng giống lúa thơm chất lượng cao như OM5451, RVT, Đài Thơm 8, ST24, ST25,...

Kiểm tra độ mặn của nguồn nước tại cống Nhựt Tảo, huyện Tân Trụ

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp các địa phương, nhất là các huyện vùng hạ như Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ,... cần thường xuyên phối hợp Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh để cập nhật số liệu về diễn biến mặn xâm nhập trên địa bàn nhằm cung cấp thông tin sớm, kịp thời giúp nông dân chủ động phòng tránh mặn cho lúa, cây ăn trái và rau màu được hiệu quả.

Đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh gieo sạ gần 220.310ha lúa Đông Xuân 2022-2023, đạt 100,1% kế hoạch, bằng 101,1% so cùng kỳ. Trong đó, đã thu hoạch trên 45.260ha, năng suất trung bình đạt 62,2 tạ/ha, sản lượng trên 281.695 tấn.

Theo Báo Long An