Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm (thứ 2, phải qua) kiểm tra tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Mộc Hóa
Diện tích liên tục tăng
Năm 2016, một vài hộ dân ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa đào ao trên đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ chân trắng, diện tích ban đầu chỉ 2ha. Do đây là vùng nước ngọt, trong khi tôm lại phù hợp với môi trường nước mặn nên người nuôi tự ý khoan giếng trái phép và “biến” nước ngọt thành nước mặn để nuôi tôm.
Nuôi tôm thẻ chân trắng ban đầu mang lạu lợi nhuận khá cao, gấp nhiều lần so với trồng lúa. Từ đó, người dân xã Tân Lập nói riêng, huyện Mộc Hóa và cả vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh nói chung bắt đầu ồ ạt chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Tăng cường quản lý, xử lý việc đào ao, khoan giếng nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng Đồng Tháp Mười, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành hơn 10 công văn liên quan đến vấn đề này.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Mộc Hóa và các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười phối hợp các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền người dân về việc không cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt có sử dụng muối, khoan giếng lấy nước mặn tạo môi trường nước lợ để nuôi tôm, tác hại của việc nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt,...
Đặc biệt, UBND huyện Mộc Hóa còn ban hành 77 quyết định xử phạt hành chính về việc tự ý đào ao trên đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng số tiền xử phạt 928 triệu đồng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Mặc dù UBND tỉnh có nhiều chỉ đạo, các địa phương tích cực thực hiện nhưng đến nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng Đồng Tháp Mười vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Toàn vùng hiện có hơn 522ha tôm, tăng hơn 77ha so với năm 2023.
Đáng chú ý, hiện nay, tình trạng đào ao nuôi tôm len lỏi trong các vùng lúa chất lượng cao ở các huyện như Tân Thạnh, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường. Do đó, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý ngay, không để nông dân tự ý đào đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng lúa chất lượng cao.
Hiệu quả không còn như ban đầu
Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh vẫn tiếp tục tăng qua từng năm
Tại vùng Đồng Tháp Mười, Mộc Hóa là địa phương đầu tiên xảy ra tình trạng nông dân "xé rào” chuyển từ đất trồng lúa sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng, tập trung nhiều ở xã Tân Lập, Tân Thành,...
Đến nay, riêng xã Tân Lập có 164 trường hợp chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng, diện tích đào ao hơn 271ha (trong đó, diện tích từ ao hiện trạng, ao nuôi cá tra bột chuyển qua là 63ha; diện tích từ đất trồng tràm chuyển qua là 37,3ha; diện tích đất trồng lúa chuyển qua hơn 171ha).
Bà Bùi Thị Thống (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn xã đào ao từ đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ chân trắng. Khi mới đào ao nuôi tôm, gia đình bà thu lợi nhuận tiền tỉ, bình quân hơn 2 tỉ đồng/vụ/ha, cao hơn 20 lần so với trồng lúa.
Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết thay đổi thất thường, môi trường bị ô nhiễm, tôm bị bệnh nhiều cộng với chi phí thức ăn tăng cao, giá tôm thương phẩm lại giảm nên người nuôi không có lợi nhuận nhiều. “Vụ tôm vừa rồi, gia đình tôi chỉ huề vốn. Để hạn chế dịch bệnh, 1 năm gia đình sẽ nuôi 1 vụ” - bà Thống nói.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, 70% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng huề vốn hoặc lỗ, còn lại 30% có lợi nhuận nhưng thấp. Nguyên nhân là dịch bệnh phát sinh ngày càng nhiều, giá vật tư tăng cao, trong khi giá tôm thương phẩm giảm. Do đó, hiện nay, một số diện tích nuôi tôm trong vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đã “treo ao”. Trường hợp ao nuôi hiện hữu, nếu cải tạo trở lại để trồng lúa cũng là câu chuyện khó khăn, tốn kém; trong khi đó, nếu tận dụng ao để chuyển đổi sang nuôi cá (hợp quy hoạch) lại rủi ro cao và việc ồ ạt ươm nuôi cá tra bột trước đây là một bài học đắt giá.
Kiên quyết xử lý nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt
Không còn dừng lại ở những văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh bắt đầu triển khai nhiều biện pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, kiên quyết xử lý tình trạng bùng phát nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy , Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh: “Các văn bản, chỉ đạo của UBND tỉnh về tình trạng nuôi tôm thẻ vùng Đồng Tháp Mười, các cấp, các ngành có thực hiện nhưng chưa kiên quyết xử lý mạnh, còn đùn đẩy trách nhiệm. Do đó, yêu cầu các địa phương phải xử lý hết trách nhiệm, kiên quyết xử lý các trường hợp đào ao mới phát sinh, bắt họ phải trả lại hiện trạng ban đầu".
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương rà soát, báo cáo chi tiết số liệu cũ và số liệu mới phát sinh, trường hợp có khó khăn, vướng mắc phải tham mưu UBND tỉnh giải quyết ngay.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập ngay tổ thanh tra, kiểm tra các vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai chuyển từ đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng; kiểm tra tình trạng khoan giếng và môi trường, khi phát hiện vi phạm phải cho ngưng hoạt động ngay.
Các sở, ngành, địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân về những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt, không để phát triển thêm diện tích nuôi mới nhằm bảo đảm không phá vỡ quy hoạch, hạn chế tác động xấu đến môi trường và sản xuất nông nghiệp./.
Theo BÙI TÙNG (Báo Long An)