Long An: Xử lý nghiêm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

31/05/2023 - 14:52

Thời gian qua, hoạt động buôn lậu (BL), gian lận thương mại (GLTM), hàng giả có lúc, có nơi, thời điểm vẫn còn diễn ra tương đối phức tạp. Tỉnh Long An thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trên lĩnh vực này.

A A

Lực lượng chức năng bắt đối tượng tàng trữ, vận chuyển trên 57.000 gói thuốc lá lậu vào ngày 24/4/2023

Khởi tố nhiều vụ, đối tượng

Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh - Phạm Đức Chinh, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng BL là lợi dụng sơ hở của lực lượng chức năng khi tuần tra, kiểm soát, thuê mướn một số cư dân địa phương, chia nhỏ hàng rồi mang, vác qua biên giới, sau đó nhanh chóng tập kết đưa lên ôtô, xe gắn máy vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Thời gian qua, các mặt hàng nhập lậu ngoài thuốc lá còn có đường cát, pháo,... Trong quá trình vận chuyển, đối tượng thuê người canh đường, cảnh giới để thông báo né tránh lực lượng chức năng.

GLTM và sản xuất, kinh doanh hàng giả diễn ra tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặt hàng nổi cộm, thường xuyên vi phạm là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản. Qua kiểm tra, còn phát hiện những vi phạm lớn liên quan đến nhiều địa bàn, tổ chức, cá nhân. Các doanh nghiệp thường sản xuất theo đơn đặt hàng, không lưu kho, khi lực lượng chức năng kiểm tra thì không có hàng hóa tại kho hoặc khi sản xuất, đóng gói nhưng chưa thực hiện công đoạn cuối cùng để thành phẩm.

Trong công tác phòng, chống BL, GLTM, 4 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng trong tỉnh phát hiện, xử lý 1.090 trường hợp vi phạm (tăng 61 trường hợp so cùng kỳ năm 2022). Trong đó, phát hiện, xử lý 285 trường hợp vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hàng cấm, nhập lậu (giảm 76 trường hợp so cùng kỳ năm 2022); 8 trường hợp kinh doanh phân bón kém chất lượng (giảm 1 trường hợp so cùng kỳ năm 2022); 5 trường hợp kinh doanh hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 4 trường hợp so cùng kỳ năm 2022); 792 trường hợp GLTM trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực thuế, hải quan (tăng 142 trường hợp so cùng kỳ năm 2022). Thu nộp ngân sách 70,3 tỉ đồng, khởi tố điều tra 31 vụ, 35 đối tượng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, mua bán hàng cấm, nhập lậu, hàng giả (tăng 19 vụ, 17 đối tượng so cùng kỳ năm 2022).

Thượng tá Phạm Thành Trung - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (đóng tại huyện Đức Huệ), cho biết: "4 tháng đầu năm 2023, đơn vị chủ trì, phối hợp các lực lượng bắt 16 vụ, 14 đối tượng; tang vật thu giữ gần 135kg pháo, trên 21.700 gói thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, 8 môtô, 10 con bò, 41,27g ma túy".

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành phòng, chống BL, GLTM, hàng giả ngày được nâng cao. Các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng liên quan đến nhiều địa phương được các lực lượng chức năng phối hợp truy xuất, xử lý kịp thời. Thời gian gần đây, các lực lượng chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, xác lập các chuyên án và phối hợp đấu tranh, triệt xóa kịp thời một số vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới với số lượng lớn, có nhiều đối tượng tham gia.

Vẫn gặp khó khăn

Phòng, chống BL, GLTM, hàng giả ở tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn. Tuyến biên giới với địa hình bằng phẳng, nhiều đường mòn, lối tắt qua lại nên rất dễ bị các đối tượng tận dụng để vận chuyển hàng lậu. Đời sống của một bộ phận người dân trên tuyến biên giới còn gặp nhiều khó khăn nên thường bị lôi kéo, tiếp tay hoặc vận chuyển thuê hàng hóa qua biên giới. Mặt khác, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhập lậu trâu, bò qua biên giới. “Tập quán chăn nuôi của cư dân là chăn thả dọc tuyến biên giới nên khó quản lý, kiểm soát, rất dễ xảy ra trà trộn trâu, bò nhập lậu qua biên giới, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh thông tin.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết: “Hoạt động buôn bán hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử hiện nay rất phổ biến nhưng khó kiểm soát, quản lý, nhất là hoạt động mua, bán hàng online qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook. Đây là những cá nhân bán hàng tự phát, không đăng ký hoạt động kinh doanh nên rất khó kiểm soát được chất lượng hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ”.

Ngoài ra, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả hiện nay rất tinh vi. Ngoài một số đối tượng lén lút sản xuất bằng hình thức thủ công hoặc làm giả nhãn hiệu, bao bì của các nhãn hiệu, công ty sản xuất có thương hiệu thì hiện nay, một số công ty sản xuất phân bón theo hình thức khép kín, sản xuất theo đơn đặt hàng và giao ngay cho đại lý, cửa hàng kinh doanh hoặc giao cho các hợp tác xã thực hiện mô hình Cánh đồng lớn. Do đó, quá trình kiểm tra, lấy mẫu của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Còn người tiêu dùng không có nhiều thông tin về các sản phẩm hàng hóa, khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả./.

Theo LÊ ĐỨC (Báo Long An)