Mắm còng - món ăn dân dã ngày tết

11/02/2019 - 08:56

Những ngày này, ghé thăm bất cứ gia đình nào ở vùng hạ của huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, chúng tôi đều được thưởng thức món mắm còng. Đây là món ăn “đặc sản”, không thể thiếu của người dân nơi đây mỗi khi xuân về, tết đến.

Mắm còng thường được ăn kèm với với cà, dưa leo, đậu rồng, bần,...

Mắm còng Cần Giuộc có 2 loại là còng nguyên con và còng quết (còng xay nhuyễn), trong đó, loại mắm còng quết trở thành đ​ặc sản của miền hạ từ nhiều năm qua.

Theo ông Cù Văn Bốn (xã Phước Lại), quy trình làm mắm còng khá đơn giản nhưng lại rất kỳ công. Còng được sơ chế sạch sẽ, tách yếm, bỏ mai, chỉ giữ thân, càng và ngoe rồi mang đi quết. Sau đó, vắt còng lấy nước, phơi đến khi hỗn hợp đen, sệt là được, càng để lâu càng ngon.

"Trước khi làm mắm phải ngâm còng với rượu đế để khử mùi tanh. Phơi nắng là công đoạn quan trọng nhất, quyết định chất lượng mắm. Mắm sau khi phơi khô được cho vào hũ bịt kín miệng và bảo quản từ 3-4 tháng mới ngon”, Bà Trương Thị Ngọc Hóa, chủ tiệm Nga chuyên sản xuất mắm còng (xã Phước Lại) chia sẻ.

Mang còng quết xong vắt lấy nước, phơi đến khi hỗn hợp đen, sệt là được

Mắm sau khi phơi khô được cho vào hũ bịt kín miệng và bảo quản từ 3-4 tháng mới ngon

Mắm còng thường được làm từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, vì đây là mùa khô, nắng đẹp sẽ giúp cho việc phơi còng. Để có hũ mắm đậm đà hương vị đồng quê, người làm phải tính toán lượng gia vị phù hợp bởi nếu pha chế "quá tay" sẽ làm mất mùi vị đặc trưng của còng.

Mắm còng- món ăn khoái khẩu của người dân vùng hạ

Vào những ngày lễ, tết, nhiều gia đình ngán thịt mỡ, chỉ cần lấy đĩa mắm còng ra trộn thêm chanh, khóm, đường, tỏi, ớt, chấm kèm cà, dưa leo, đậu rồng, bần,… khi ăn cơm. Bên cạnh đó, nhiều người còn “thiết kế” mắm chung với bún, thịt ba rọi luộc, rau sống,… tạo thành món ăn dân dã mang đậm đà hương vị tình quê.

Theo Báo Long An