Miên man ngày trở về

11/01/2023 - 10:36

“Quê hương nếu ai không nhớ”…

A A

Tôi sinh ra ở Cà Mau, lớn lên ở Cà Mau, nhưng chỉ “lớn” đến cái tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” thì tôi bắt đầu “ly hương” (lần thứ nhất), khăn gói về Bạc Liêu theo học chữ (bổ túc văn hoá). Hồi ấy, duy nhất Bạc Liêu mới có trường bổ túc văn hoá dành cho cán bộ bước ra từ chiến tranh và con em cán bộ kháng chiến, nhằm tạo nguồn cho cách mạng sau này - tôi thuộc nhóm người ở vế thứ hai.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh… bổ túc, tôi lại về Cà Mau tập tành làm báo (báo Minh Hải) ngót nghét 10 năm. Trong đó có 5 năm bôn ba đến tận Thủ đô Hà Nội để "học làm người, làm nghề và làm cách mạng" như cách “lý luận” của người làm chính trị và gắn bó với nghề báo cho đến bây giờ.

Rồi từ năm 1997, tôi lại rời nơi chôn nhau cắt rốn lần thứ hai để hoà nhập “làm người Bạc Liêu”, hít thở không khí Bạc Liêu, sống và làm việc trên quê hương Bạc Liêu - mà chắc Bạc Liêu sẽ là quê hương tôi cho đến cuối đời!

Dài dòng một chút về nơi sinh ra, vì trong tận đáy lòng, lúc nào tôi cũng cảm thấy như mình có lỗi. Cà Mau - Bạc Liêu nào có xa xôi về mặt địa lý. Ðã một thời - thời không phải ngắn là tỉnh chung, là anh em một nhà (tình cảm ấy cho đến bây giờ vẫn vẹn nguyên trong mỗi con người 2 tỉnh). Ấy vậy mà tôi vô tình biến nơi sinh ra ngày một xa, thêm xa… vì những lần trở về vơi đi, thưa thớt…

Nhiều đêm thao thức giật mình, nhưng rồi tôi vẫn bảo vệ cái “lý do chính đáng” cho dù thâm tâm… đã tự phản kháng! Nhưng thôi, ở đâu cũng là quê hương, nơi ta ở chính là nơi đất ở… kia mà!

Miên man ngày trở về

Cho đến một ngày của tháng 9/2022 - khi nhận được dòng tin của một đồng nghiệp từ thời Minh Hải, báo tin họp mặt những người làm báo nguyên là Tổng biên tập báo Ðảng địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long các thời kỳ tại Cà Mau.

Vui mừng, sung sướng và hạnh phúc để được làm đứa con theo đúng nghĩa trong ngày trở về, với tâm trạng háo hức, phấn khởi, nghẹn ngào.

Buổi họp mặt hôm ấy, không chỉ là dịp để tay bắt mặt mừng, để mọi người nhìn lại một thời đã sống, làm việc, cống hiến cho đời, cho sự nghiệp báo chí.

Tôi gọi cuộc họp mặt hôm ấy là cuộc họp mặt 25 năm kể từ ngày ngôi nhà chung Minh Hải được chia tách - năm 1997. Từ mốc lịch sử đó, mỗi người một phương, mỗi người một công việc miệt mài, dấn thân… nhiều lúc cách biệt nhau, thậm chí “quên” nhau trong cuộc sống. May mà nghề báo - nghề vinh quang nhưng đầy nghiệt ngã đã níu kéo, nhắc nhở, gắn kết nhau lại.

Tôi nói “đôi lúc quên nhau trong cuộc sống thường ngày” không phải để “quan trọng hoá” công việc, mà đó là một thực tế - ngay cả quê hương Cà Mau - nơi tôi sinh ra, lớn lên, ấy vậy mà 25 năm vác ba lô về Bạc Liêu “làm dâu xứ người”, tôi cũng không nhiều lần về lại Cà Mau - cho dù lòng mình luôn đau đáu về nơi “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”, nơi tận cùng Tổ quốc để “thấy đất trời thêm rộng lớn”!

Hơn ai hết, tôi biết quê hương tôi đúng như trong câu hát “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam…”. Vâng, xa thì xa, nhưng “ngại chi đường xa không tới”. Ði rồi sẽ tới kia mà?! Xin đừng ngại “đường về nhà mình xa quá má ơi” như cách nũng nịu của cố Nhà báo Trần Thanh Phương (nguyên Phó tổng biên tập báo Ðại đoàn kết) - người con của quê hương Phú Tân… để rồi trăn trở, day dứt một đời...

Sau cuộc họp mặt ấm áp ấy, hôm sau chúng tôi có hành trình về Ðất Mũi. Phải về chứ, “về để nói với nhau mấy lời” - mấy lời tự đáy lòng mình về nơi chôn nhau cắt rốn…

Với tôi, Cà Mau không chỉ là nơi tôi sinh ra, mà Cà Mau còn là người mẹ chở che, ôm ấp, nuôi dưỡng tâm hồn tôi, nung nấu trong tôi từ khi còn tấm bé về lẽ sống - làm người - về sự nghiệp - dấn thân…, trong đó có sự nghiệp báo chí mà tôi và chúng ta theo đuổi, cống hiến trọn đời.

Nhưng có điều khá nghịch lý là: tôi đến với nghề báo, “say” nghề báo… không phải vì sự ảnh hưởng của các nhà báo, mà ảnh hưởng trực tiếp ban đầu, từ khi mới biết đọc, biết viết, mới biết mặt chữ, lại là các nhạc sĩ, các nhà thơ (mà thời đó cũng chẳng phân biệt sự khác nhau giữa “văn chương, báo chí” là gì). Ðó là “Chiếc xuồng con vượt hàng trăm cây số/Cùng với tôi trở lại đất U Minh…/Nơi quê hương người thương đang ở/Chiếc lá rơi cũng xao động tâm tình”… của Nhà thơ Nguyễn Bá - một thời in đậm trong tim người dân đồng bằng. Là “Người mẹ đập rơm, dành cho du kích bát cơm vây đồn… Ðập rơm đã mấy đêm rồi, mẹ đi từ sáng, giờ này trăng đã cao”… của Nhạc sĩ Quang Phong (em ruột Nhạc sĩ Thanh Trúc, người Cà Mau) phổ thơ của Nhà thơ Thanh Minh (tức chú Bảy Minh - Phạm Văn Tri, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Minh Hải). Là “Từ trái tim em” của Nhà thơ Nguyễn Hải Tùng: “Từ trái tim em bừng tiếng nổ/Cuối trời Tổ quốc lửa dâng cao/Từ trái tim em nung thép đỏ/Chảy vào mạch sống vạn đời sau”.

Ðó là những tác giả, tác phẩm hiếm hoi thời ấy, tôi đã nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại đến thuộc làu… Tôi xem các nhà thơ, các nhạc sĩ ấy là ân nhân, vì họ đã cho tôi động lực, tình yêu với nghề. Các chú, các anh ấy, giờ đây có người đã đi xa, có người vượt xa cái tuổi “xưa nay hiếm”! Vậy mà tôi chưa một lần về thăm, hết lần này đến lần khác, tôi tự cho phép mình lỗi hẹn; để giờ đây đành lỗi hẹn cả một đời!

Mấy dòng này xin được tạ lỗi với các chú, các anh, xin các chú, các anh với quê hương tha thứ!

… Và những day dứt

Suốt một đời làm nghề, với quê hương Cà Mau tôi có 2 sự day dứt. Ðó là “day dứt với Hàng Gòn”. Ðây cũng là tựa đề bài báo tôi viết cách đây trên 30 năm (khi còn làm báo Minh Hải). Hàng Gòn đi vào lịch sử chiến tranh như mất mát lớn nhất tỉnh bởi một trận thí nghiệm B52 của đế quốc Mỹ đã trút xuống làm 121 người chết và bị thương trong xóm dài chưa đầy 5 cây số. Tôi mong muốn chúng ta “làm một cái gì đó” để tưởng nhớ những người đã khuất, đồng thời để lên án chiến tranh, lên án tội ác của đế quốc Mỹ… Một khu chiến tích như ở Sơn Mỹ (Mỹ Lai), Quảng Ngãi chẳng hạn. Bởi nếu so sánh thời gian thì vụ “thảm sát Sơn Mỹ” cách “thảm sát Hàng Gòn” của chúng ta đúng 1 năm - 1968 Sơn Mỹ, 1969 Hàng Gòn. Về số người bị sát hại cũng xấp xỉ nhau. Tôi nghĩ ít ra cũng cần có những cuộc hội thảo khoa học để xác định tội ác tày trời của đế quốc Mỹ, để những người dân vô tội yên lòng nhắm mắt. Thật sự tôi mong, rất mong chúng ta “làm một cái gì đó”!

Day dứt thứ hai là sự kiện Bình Hưng (giờ đây thuộc huyện Phú Tân - Cà Mau). Tôi gọi đây là vụ thảm sát - vụ thảm sát kinh khủng hơn, khiếp đảm hơn, vì kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Một vụ thảm sát mang danh nhắm vào “Việt cộng” nhưng thực chất Nguyễn Lạc Hoá và đồng bọn Tàu Phù không từ một ai, từ người già đến trẻ em, từ đàn ông đến đàn bà (kể cả phụ nữ đang mang thai)…

Những tội ác ấy là nỗi kinh hoàng của một thời diễn ra ở Bình Hưng và nhiều vùng lân cận trên mảnh đất cuối trời này!

“Làm một cái gì đó” cho Bình Hưng là nỗi trăn trở của bao người và cả đứa con xa xứ, như tôi.

Xin được “tận dụng” "ngày trở về" để bày tỏ lòng mình vì nghề báo đòi hỏi phải nói, phải ngẫm.

Miên man ngày trở về với bao điều bâng khuâng khó tả. Bên cạnh niềm vui, hạnh phúc… vẫn đan xen nỗi trăn trở, day dứt, bồn chồn...

Bạc Liêu - Cà Mau, tháng 10/2022

Theo DUY HOÀNG (Báo Cà Mau)