4 giờ sáng, ghe thu hoạch đáy hàng khơi ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển chuẩn bị các nhu yếu phẩm, ngư cụ cần thiết để ra khơi. Mỗi đội thu hoạch đáy 5 người thường đi trên một phương tiện lớn có sức chở vài chục tấn. Ðồ mà ghe đáy chở ra cho bạn chòi là nước sinh hoạt, gạo, nước đá, pin sạc dự phòng, thuốc men...; đổi lại họ sẽ nhận cá, tôm, mực... mang vào bờ.
Bạn chòi nhận lương thực từ đất liền gửi ra.
Không biết tự khi nào, nghề đáy hàng khơi đã gắn bó với người dân vùng biển cực Nam Tổ quốc này. Chỉ biết những năm 1990-2005 là những năm cực thịnh của nghề trên vùng biển Cà Mau, lúc đó có hàng ngàn người làm nghề đóng đáy. Những năm gần đây, lượng cá tôm ít, bạn chòi khó kiếm nên chỉ còn vài chục chủ bám trụ nghề này.
Ông Hồng Minh Ðoàn, Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, là tài công cho ghe ông Hồng Chí Phong (cũng ở Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc) đã gắn bó với nghề biển hơn 20 năm. Với ông, đây là công việc mưu sinh cho cả gia đình. "Hôm nào biển động không ra khơi được lòng thấy bồn chồn, nhớ biển. Ðó cũng là thời gian gia đình hết sức khó khăn vì cả nhà chỉ trông chờ vào thu nhập từ nghề đáy hàng khơi", ông Ðoàn tâm sự.
Ðáy hàng khơi sử dụng các cột cao từ 25-30 m cặm xuống đáy biển cách đất liền từ 10 hải lý trở lên. Các cây cột được nối với nhau bằng dây thừng và mỗi miệng lưới có chiều ngang khoảng 50 m để đánh bắt cá tôm. Bạn chòi là người phụ trách canh giữ đáy và là người xem hướng gió, nắm thời gian nước lớn, ròng để buông đáy và kéo đáy.
Bạn chòi trực tiếp ở lại tại chòi để canh giữ và đóng đáy. Bạn chòi hoạt động theo lịch trình con nước; hàng tháng có 10 ngày nghỉ vào bờ, 20 ngày trực chòi trên biển để kéo và thả đáy.
Nơi ở của bạn chòi là căn chòi bằng cây lá, rộng chừng 4 m2 dựng trên 1 hoặc 2 cây cao hơn 5 m so với mặt nước biển. Nhìn từ xa, những chòi đáy này giống như những tổ chim.
Ðiều lo ngại nhất của bạn chòi chính là thời tiết xấu, các tàu đánh bắt và chở hàng thường xuyên đâm phải các hàng đáy làm sập chòi. Vật bất ly thân của bạn chòi chính là cái can nhựa và cây dao nhỏ bên người. Bởi những khi tai nạn bất ngờ xảy ra, họ có thể bị rơi xuống biển và cuốn vào trong miệng đáy; những lúc như vậy bạn chòi phải dùng dao để rọc lưới đáy thoát ra ngoài.
Bạn chòi giỏi là người đi trên dây và làm việc điêu luyện; phải xác định được lúc nào nước chảy mạnh để buông đáy và lúc nào nước chảy yếu để kéo đáy lên, tránh tình trạng cá, tôm lội ngược dòng nước ra ngoài.
Bạn chòi phải di chuyển trên dây hàng giờ và kéo, thả lưới một cách thuần thục; công việc của họ được ví như những diễn viên xiếc.
Anh Lê Hữu Phước, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, đến Ngọc Hiển làm bạn chòi cho ông Hồng Chí Phong, cho biết: "Nghề này nguy hiểm lắm, chỉ sơ suất một chút là có thể mất mạng như chơi. Do mình không có nghề nghiệp ổn định nên mới chọn nghề này để mưu sinh".
Mỗi bạn chòi phụ trách thả và kéo nhiều miệng đáy, cứ 7-10 miệng họ được hưởng 2 miệng. Số cá, tôm sau khi đánh bắt sẽ được chủ ghe chở giùm vào trong đất liền để người thân bạn chòi lựa ra bán. Cứ một con nước, mỗi bạn chòi thu được từ 5-7 triệu đồng.
Ông Hồng Chí Phong có hơn 60 miệng đáy hàng khơi. Ông chia sẻ: "Những người làm đáy hàng khơi giờ rất ít. Người bám trụ lại hầu như là dân cố cựu, có người làm nghề này đã 3 đời, như tôi cũng kế nghiệp đời thứ 3. Thật ra, nhiều người cũng muốn chuyển nghề nhưng vốn liếng đầu tư vào đáy hàng khơi khá cao (từ ghe đến cột, lưới đáy) nên họ phải cố bám trụ, bởi chuyển lên đất liền không biết làm gì để mưu sinh".
Những năm gần đây, nguồn tôm, cá cạn kiệt nên thu nhập của những người làm nghề đáy cũng giảm theo. Dù phải sống trơ trọi trên chòi canh hay cực nhọc trên ghe biển thì những người làm đáy hàng khơi vẫn tươi cười đối đầu với nắng gió, với nguy hiểm mỗi khi biển cả nổi giận; để rồi khi vào đất liền vài ngày thì lại nhớ biển, lại khăn gói ra khơi...
Theo HỒNG MY - CHÍ HIỂU (Báo Cà Mau)