Thu hoạch cá chẽm ở trang trại của anh Dũng.
Tôi vẫn còn nhớ, giai đoạn dịch COVID-19 vừa tạm lắng xuống trong năm 2021, giá cá chẽm khi đó còn đang ở mức ngang với giá thành, nhưng anh Võ Điền Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Ngư Nghiệp, ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng), đã tự tin cho rằng cuối năm 2021, giá cá chẽm sẽ tăng trở lại và bắt đầu tăng mạnh trong quý I-2023. Nhận định của anh Dũng là hoàn toàn chính xác, khi dịp cuối năm 2021, giá cá chẽm từ mức 65.000 đồng/kg tăng lên 70.000 đồng/kg và tới thời điểm hiện tại, giá cá chẽm mua tại ao đã lên đến 84.000-87.000 đồng/kg.
Lý giải cho nhận định về thị trường cá chẽm của mình, anh Dũng cho biết: "Năm 2019, nhiều người ùn ùn nuôi cá chẽm, trong khi sức tiêu thụ của thị trường là có hạn nên sản lượng dư thừa, giá cá chẽm giảm mạnh. Đến năm 2020, rồi 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng khiến cho giá cá chẽm giảm xuống dưới mức giá thành, nhiều người thua lỗ, ngưng nuôi. Do đó, chỉ cần dịch được khống chế là chắc chắn giá cá sẽ tăng trở lại vì nguồn cung bị thiếu hụt. Cũng nhờ nhận định đúng tình hình và đủ sức đeo đuổi nghề nuôi nên chẳng những anh Dũng có cơ hội lấy lại phần thua lỗ trong 2 năm đại dịch, mà còn có lời thêm chút ít.
Cũng là một trong những hộ nuôi cá chẽm quy mô lớn, anh Ngô Thanh Tuấn, ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cho biết, có thời điểm, giá cá chẽm vọt lên đến 105.000 đồng/kg, nhưng chỉ duy trì được trong thời gian ngắn, nên cũng ít có người nuôi bán được với mức giá này. Một trong những điểm đặc biệt của thị trường cá chẽm năm nay là cá chẽm loại quá lứa (trên 1,2kg/con) lại được thương lái chuộng mua nhiều hơn với mức giá ngang với cá chẽm loại I (1-1,2kg/con). Anh Tuấn chia sẻ: "Tôi mới thu hoạch 1 ao cá chẽm bán tại ao với giá 84.000 đồng/kg (do vận chuyển xa), tính ra lợi nhuận cũng gần 20.000 đồng/kg. Giá cá chẽm thường tăng cao dịp cuối năm và đầu năm do đây là thời điểm lễ, Tết và đám tiệc, nên nhu cầu tiêu thụ cao. Do 3 năm giảm giá liên tục, đến năm 2022 tôi quyết định chuyển một phần diện tích nuôi cá chẽm sang nuôi tôm thẻ, nên sản lượng năm nay chỉ khoảng 50 tấn, còn mọi năm khoảng 100-200 tấn".
Còn theo anh Dũng, tổng sản lượng cá chẽm năm nay của anh vào khoảng 2.500 tấn; trong đó, 1.500 tấn, do anh tự nuôi, 500 tấn liên kết với hộ nuôi khác theo hình thức đầu tư con giống, thức ăn và thu mua lại sản phẩm, còn 500 tấn mua của những hộ nuôi khác. Nguồn tiêu thụ chủ yếu là chợ Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) khoảng 1.400 tấn, chiếm khoảng 55-60% tổng sản lượng, còn lại là bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Giá cá năm nay tăng cao, nhưng do chi phí đầu vào hầu hết đều tăng mạnh, nên theo anh Dũng mức lợi nhuận cao nhất cũng chỉ vào khoảng 21-22%, còn nếu tính lợi nhuận bình quân của chu kỳ 3 năm (2019-2022) mức lợi nhuận chỉ vào khoảng 7-8%. "Trong nuôi trồng thủy sản, chuyện thắng thua chỉ được quyết định trong 1 nhịp (tức 1 vụ), nhưng người nuôi phải có sự chuẩn bị về tài chính ít nhất là trong 3 nhịp để lỡ có rơi vào nhịp xấu đầu tiên mình vẫn còn đủ sức để tái sản xuất cho nhịp tiếp theo. Vì vậy, để tính lợi nhuận một cách chính xác nhất theo tôi phải lấy ít nhất là chu kỳ 3 năm" - anh Dũng chia sẻ.
Theo anh Dũng, ngày xưa (trước 2016), do còn ít người nuôi, giá thức ăn còn thấp, nên giá thành mỗi ký cá chỉ khoảng 50.000-55.000 đồng, những giá bán bình quân 80.000 đồng/kg, thậm chí có khi lên tới 95.000 đồng/kg. Thấy có lời nhiều nên nhiều người ùn ùn nuôi, sản lượng cá tăng vọt, giá theo đó cũng giảm theo. Vì vậy, để sống được với nghề nuôi cá này ngoài việc phải đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật ra, người nuôi còn phải nắm bắt thông tin thời tiết và nhất là thị trường để điều tiết diện tích, sản lượng nuôi cho phù hợp, nếu không rất dễ thua lỗ. Nói về thị trường cá chẽm nói riêng và một số loại cá biển khác nói chung, theo Dũng là còn dư địa, nhưng vấn đề là phải quy hoạch diện tích nuôi phù hợp và làm tốt con giống. Anh Dũng cho biết thêm: "Như con cá chẽm, cũng được xuất khẩu, nhưng số lượng còn ít là do giá thành của mình còn cao, không cạnh trạnh lại một số nước khác, mà một trong những nguyên nhân là con giống của mình chưa tốt, giá thức ăn của mình còn quá cao…".
Dự báo về thị trường cá chẽm năm 2023, theo anh Dũng, con cá chẽm cũng sẽ gặp khó chung như những mặt hàng nông, thủy sản khác. "Những dự báo cho thấy, năm 2023 sẽ là năm khó khăn do tác động của lạm phát toàn cầu, nên sức tiêu thụ sẽ khó có thể tăng. Vì vậy, để hạn chế rủi ro tôi vẫn giữ sản lượng khoảng 2.500 tấn như ở năm 2022 để nghe ngóng thị trường rồi sau đó mới tính tiếp có nên tăng sản lượng thêm hay không"?
Theo JOA2NG NHÃ (Báo Cần Thơ)