Ngành du lịch Bến Tre đón những du khách đầu tiên sau thời gian "ngủ đông"

17/11/2021 - 08:27

Ngay khi vừa mở cửa du lịch trở lại thì Bến Tre đã lập tức đón nhiều đoàn khách ghé thăm. Các cơ sở đã nhanh chóng thay đổi để thích ứng, chú trọng giữ khoảng cách để khách có cảm giác an toàn nhất.

Ngày 15-11, tỉnh Bến Tre chính thức khôi phục hoạt động du lịch với chủ đề "Du lịch vùng xanh xứ dừa". Hậu Covid-19, hoạt động du lịch của Bến Tre sẽ chú trọng các nội dung an toàn, thích ứng, chất lượng và thân thiện.

Du khách đến Bến Tre sau khi địa phương nới lỏng giãn cách (Ảnh: Nguyễn Cường).

Theo kế hoạch, Bến Tre chia giai đoạn phục hồi du lịch địa phương thành 2 giai đoạn nhỏ. Giai đoạn 1 từ ngày 15/11 đến hết năm 2021 sẽ mở cửa hoạt động du lịch nội tỉnh và liên tỉnh với các loại hình du lịch dịch vụ lữ hành, dịch vụ lưu trú và hoạt động tại các khu/điểm tham quan du lịch. Giai đoạn 2 trong năm 2022 sẽ dựa theo tình hình dịch bệnh để mở rộng, tiến tới khôi phục toàn diện ngành du lịch.

Hiện đã có 70/162 doanh nghiệp du lịch ở Bến Tre đăng ký hoạt động trở lại. Các sản phẩm du lịch chủ yếu của Bến Tre gắn liền với cảnh quan, ẩm thực sông nước, vườn dừa bạt ngàn, rừng ngập mặn mênh mông và các di tích lịch sử.

Nhiều doanh nghiệp du lịch từ TP HCM cho biết dựa trên khả năng kiểm soát dịch bệnh, họ lựa chọn Bến Tre là một trong những điểm đến đầu tiên ở Miền Tây trong giai đoạn phục hồi du lịch hậu Covid-19 với phương châm kết nối vùng xanh với vùng xanh.

Những đoàn du khách đầu tiên đến Bến Tre (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ngày 13/11 vừa qua, với lợi thế nằm trong khu vực chưa từng ghi nhận ca F0 thì Sân chim Vàm Hồ là điểm du lịch đầu tiên ở Bến Tre được mở cửa đón khách. Điểm du lịch này ở ngay cạnh khu bảo tồn rừng ngập nước cửa sông Ba Lai nơi có hàng trăm giống chim muông trú ngụ, vì vậy vừa hoạt động lại đã nhanh chóng đón nhiều đoàn khách ghé thăm.

Chị Nguyễn Kim Châu - quản lý điểm du lịch này cho biết: "Từ các nguồn thông tin, các đánh giá từ nhiều phía thì chúng tôi kỳ vọng lượng khách thời gian tới sẽ phục hồi mức 50% so với trước dịch. Khách sẽ đi theo các đoàn gia đình hoặc vài chục người mà ít có đoàn lớn hàng trăm người.

Vì vậy chúng tôi cũng sẽ có những thay đổi trong cách phục vụ để phù hợp với tình hình thực tế. Các loại hình trải nghiệm gia đình sẽ được đa dạng hơn, các hoạt động trò chơi dân gian, làm bánh, làm đồ vật từ lá dừa trước đây chú trọng cho nhóm đoàn học sinh số lượng lớn thì nay sẽ được chuyển đổi phù hợp cho những nhóm gia đình".

Chị Nguyễn Kim Châu- quản lý Sân chim Vàm Hồ trao đổi với PV (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chị Trịnh Thị Ngọc Hiện - chủ điểm du lịch người giữ rừng cho biết: "Nhu cầu thị trường du lịch là có rồi, rất nhiều khách, đối tác đã liên hệ đặt tour trong thời gian tới, vì vậy chúng tôi theo chủ trương chung của tỉnh bắt đầu đón khách vào ngày 15/11.

Tuy nhiên lượng khách có thể sẽ không nhiều như trước dịch, vì vậy chúng tôi cũng sẽ chỉ cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất ở quy mô vừa phải, làm sao để kinh doanh hiệu quả nhất. 

Cũng theo chị Hiện, Người Giữ Rừng là một trong những điểm du lịch có quy mô hơn 23ha, có đa dạng dịch vụ, nổi bật nhất là trải nghiệm cắm trại, bắt tôm cá hoang dã trong rừng ngập mặn ven biển.

"Chúng tôi sẽ chú trọng vào việc giãn cách, tạo khoảng cách giữa các đoàn, có thể khiến các đoàn không tiếp xúc nhau lần nào trong suốt kỳ nghỉ để tạo nên cảm giác an tâm nhất cho khách. Khó khăn chung hiện tại của những cơ sở kinh doanh du lịch như chúng tôi có lẽ là vốn, rất cần một chính sách hỗ trợ kịp thời nguồn vốn để ngành du lịch có thể tái khởi động", chị Hiện chia sẻ.

Theo NGUYỄN CƯỜNG (Dân Trí)