Nghề hầm than ở U Minh

25/08/2022 - 09:50

Được mệnh danh là “sản vật trời ban”, nghề hầm than không đòi hỏi nhiều vốn, tuy nhiên cũng lắm gian nan và chật vật. Ngày nay, vẫn còn không ít hộ theo nghề vì cuộc mưu sinh hoặc vì muốn níu giữ làn khói thân thương bên hàng tràm, hàng đước của xứ đất rừng U Minh.

A A

Một số tài liệu ghi nhận, trước năm 1945, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 700 lò hầm than, sản lượng hơn 60.000 tấn/năm. Bà Nguyễn Thị Minh (73 tuổi) ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho biết: Từ nhỏ bà đã thấy ở quê mình có nghề hầm than. Thuở ấy, rừng ở Cà Mau còn hoang vu và bạt ngàn, người mưu sinh bằng nghề này chỉ cần vào rừng đốn cây đem hầm là có than để bán. Có lẽ vậy mà từ những năm 1950 đến 1960, nghề hầm than phát triển rầm rộ, có lúc chỉ tính trong vùng U Minh đã có hơn 300 lò hầm than, chưa kể hàng trăm hộ dân khác hầm than nhỏ lẻ tại nhà. Gỗ để hầm than rất đa dạng, hầu hết là các loài cây gỗ sống trong rừng ngập mặn ở U Minh như đước, vẹt, dà, cóc, tràm... Đây là những loại gỗ cho than có độ cháy lâu và tạo nhiệt cao hơn các loại gỗ khác nên được nhiều người ưa chuộng.

Thành phẩm than sau khi được hầm. 

Ngày nay, người dân không được phép tự ý vào rừng để đốn củi nhằm bảo vệ rừng và tránh tình trạng cháy rừng. Do vậy, các hộ hầm than phải đặt mua gỗ nguyên liệu từ các nơi được phép khai thác với giá 3.000-5.000 đồng/cây tràm. Tràm sau khi mua về lột sạch vỏ, cắt thành từng khúc đều nhau, chất đứng thành đống như hình nón lá sao cho khít với nhau. Sau đó dùng vỏ tràm, cỏ rác quanh nhà đắp lên, um từ 3 đến 4 ngày thì mới chín than. Người đốt phải theo dõi lò than suốt ngày đêm để tránh lò bị tắt hoặc mưa gió, cháy lan... Người hầm than lâu năm chỉ cần ngửi mùi khói hoặc nhìn màu sắc của lửa là có thể biết được than đã chín hay chưa. Than khi đã đủ lửa sẽ được đắp lên bằng một lớp bùn, sao cho kín khí, để cho than tự tắt và nguội dần. Than khi đã nguội sẽ được mở lò lấy ra và chọn lọc, lấy những loại đã thực sự chín, còn những cây tha “non” chưa đủ lửa thì chừa lại để lần hầm sau.

Trung bình một mẻ than phải đốt khoảng 0,5m3 gỗ tràm (tương đương khoảng 3-4 triệu đồng), sau 3 ngày un sẽ cho ra từ 10 đến 15 bao than, mỗi bao khoảng 20-30kg. Với giá bán than tràm hiện nay từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, người hầm than có thể lãi 500.000-800.000 đồng/mẻ than. Thương lái đến tận nhà thu mua, sau đó chuyển đi bán ở nhiều nơi như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang...

Hiện nay, toàn huyện U Minh còn khoảng 50 hộ hầm than thủ công. Bên cạnh đó, một số lò than khác thực hiện liên kết sản xuất hợp tác xã bảo đảm công tác bảo vệ môi trường và bảo vệ rừng. Gần đây, nghề hầm than được UBND tỉnh Cà Mau công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của địa phương và có nhiều chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị tích cực, đồng thời thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật.

Theo PHƯƠNG ANH (Quân đội nhân dân)