Những ngày Tết đến xuân về, chúng tôi có dịp thăm khu du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ để thưởng thức, trải nghiệm cách làm bánh và gặp người có hơn 40 năm kinh nghiệm làm bánh dân gian Nam Bộ. Bà là Phan Kim Ngân, người có thể làm được hơn 50 loại bánh khác nhau được chế biến theo hương vị truyền thống.
Ở cái tuổi ngoài 50, bà Bảy Muôn vẫn luôn trăn trở làm sao tìm được người để truyền thụ lại những kinh nghiệm làm bánh truyền thống.
Từ bến đò Cô Bắc sang khu du lịch cộng đồng Cồn Sơn, với những trải nghiệm thú vị tát mương bắt cá, tận tay hái và thưởng thức những loại trái cây đặc sản của vùng ĐBSCL hay tự tay làm và thưởng thức các loại bánh dân gian Nam Bộ. Những du khách đến đây có nhiều trải nghiệm khác nhau, nhưng có lẽ ai cũng ấn tượng với người phụ nữ hơn 50 tuổi mặc chiếc áo bà ba hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn gói, nướng bánh mỗi khi khách đến tham quan.
Bà là Nghệ nhân Phan Kim Ngân, tên thường gọi bà Bảy Muôn, được nhiều người biết đến bởi sự cởi mở, gần gũi, chia sẻ mà bà còn đang là người nắm giữ nhiều công thức làm bánh dân gian Nam Bộ.
Hiện bà đang lưu giữ công thức làm hơn 50 loại bánh dân gian.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm bánh dân gian, ngay từ nhỏ bà Bảy Muôn đã được mẹ truyền thụ lại những kinh nghiệm, công thức làm các loại bánh. Khi đó bà thường xem và phụ giúp mẹ làm bánh với niềm đam mê và đôi bàn tay khéo léo đã giúp bà lưu giữ công thức làm hơn 50 loại bánh dân gian Nam Bộ.
Bà Ngân cho biết, để giữ được hương vị truyền thống của bánh thì khâu quan trọng nhất có lẽ là lựa chọn gạo làm bột, đến khâu bảo quản không sử dụng hóa chất. Với nhiều loại bánh đặc trưng của Nam Bộ như bánh ít, bánh ú, bánh lá mít, bánh lọt, bánh bèo, bánh kẹp…Hay như tiệc bánh Buffe được bày biện theo cách dân dã với hàng chục loại bánh khác nhau, bà luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm của những người đi trước để làm ra những chiếc bánh mang đậm nét dân gian Nam Bộ xưa.
"Làm bánh này tỉ mỉ từng khâu, từng đoạn, mình phải hiểu cái bột này nó khô thì mình cho nước nhiều một chút, mình nhìn miếng bánh là mình phải biết, nhìn cái bột là mình biết phải gia giảm, cái này nó không có một công thức nhất định. Hồi xưa làm chỉ đám tiệc với ăn thôi, còn bây giờ mình làm phục vụ cho khách du lịch mình càng tìm tòi ra thêm nữa, chứ mình không bao giờ từ bỏ, nói chung mình cũng đam mê làm bánh", bà Bảy Muôn chia sẻ.
Du khách trong và ngoài nước đến với Cồn Sơn không chỉ để tham quan, hòa mình vào thiên nhiên từ hoạt động du lịch cộng đồng mà còn để thưởng thức và trải nghiệm cách làm bánh dân gian. Ngồi uống ly nước sake, nghe bà Bảy Muôn kể về công thức làm ra từng loại bánh dân gian, với nhiều công đoạn và cách chế biến khác nhau, những khó khăn, vất vả để làm ra được chiếc bánh dân gian mang đậm nét truyền thống, du khách được tìm hiểu, khám phá thêm về vùng đất và con người nơi đây.
Du khách đến đây để lưu giữ ký ức và hương vị chiếc bánh truyền thống.
Những đoàn khách đến Cồn Sơn đều muốn gợi nhớ về ký ức xưa, tự tay làm bánh, thưởng thức tại chỗ để cảm nhận và nhớ hương vị quê. Chị Lê Thị Minh Trang, du khách từ TP HCM chia sẻ, gia đình chị trước kia ba mẹ cũng làm bánh để bán, nhưng thấy vất vả lên không ai theo nghề. Khi thấy bà Bảy Muôn còn lưu giữ các làm bánh truyền thống, tỉ mỉ từng công đoạn, tự tay gói và khoảnh khắc chờ đợi bánh chín, thì bao ký ức lại ùa về với chị.
Với hơn 40 năm kinh nghiệm làm bánh truyền thống và có trong tay nhiều công thức như ngày hôm nay, bà cũng đã trải qua những thất bại ban đầu, nhưng nhờ sự động viên từ gia đình, sự chia sẻ của những người đi trước chỉ bảo, bà không nản lòng. Với bà Bảy Muôn, làm là để lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống ngày xưa để lại, không vì lợi ích kinh tế mà làm mất giá trị của bánh dân gian Nam Bộ. Nhiều loại bánh xưa kia được các gia đình chuẩn bị trong đám tiệc, ngày Tết thì nay đã bị mai một.
Ở cái tuổi ngoài 50, bà Bảy Muôn vẫn luôn trăn trở làm sao tìm được người để truyền thụ lại những kinh nghiệm làm bánh truyền thống, vì giờ đây làm ra chiếc bánh không khó vì đã có máy móc hỗ trợ, nhưng để làm theo hương vị truyền thống thì rất khó, cần phải có niềm đam mê, chịu khó mới có thể theo được nghề.
Với nghệ nhân Phan Kim Ngân, mong muốn lớn nhất là tìm được người để truyền lại kinh nghiệm làm bánh truyền thống để không bị mai một và du lịch cộng đồng nơi đây phát triển bền vững để bà tiếp tục đưa những loại bánh dân gian đến với du khách gần xa, cùng nhau lưu giữ hương vị truyền thống trong từng chiếc bánh. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng với bà, làm ra những chiếc bánh là tâm huyết, tình cảm trong từng chiếc bánh, giữ được hồn quê, mang đậm hương vị của bánh dân gian Nam Bộ.
Theo PHẠM HẢI (VOV)