Nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu cho ngành tôm

15/06/2022 - 10:40

Mặc dù chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là đến thời điểm thu hoạch rộ vụ tôm nước lợ năm 2022, nhưng khả năng thiếu hụt tôm nguyên liệu không vì thế mà có xu hướng hạ nhiệt khi các yếu tố bất lợi cho vụ nuôi đang lộ diện ngày một lớn hơn.

Mặn giảm, tôm chậm lớn...

“Năm nay, chỉ có một con nước ghi nhận được độ mặn đạt 11%o vào tháng 3, rồi sau đó giảm liên tục đến nay độ mặn tại hầu hết các kênh cấp cho vùng nuôi đều bằng 0”. Ông Mã Chí Thọ, Trưởng phòng Kinh tế, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), mở đầu câu chuyện mùa tôm năm 2022 bằng thông tin không vui. Cũng do bất lợi về độ mặn nên diện tích thả nuôi của Vĩnh Châu chỉ mới đạt gần 10.000ha/24.100ha kế hoạch. Còn tại huyện Mỹ Xuyên, tình hình cũng không khả quan hơn khi đây là vùng nuôi nằm sâu trong nội đồng nhất của tỉnh Sóc Trăng. Ông Trần Quốc Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mỹ Xuyên, cho biết: “Ngay từ đầu vụ, tình hình đã bất lợi khi độ mặn trên kênh Chàng Ré chỉ quanh quẩn mức 2%o và hiện đã bằng 0”.

Với tình hình chi phí đầu vào tăng cao, vụ nuôi khó khăn và giá tôm đang giảm thì giải pháp thả thưa, nuôi tôm về kích cỡ lớn mới đảm bảo cho người nuôi đạt lợi nhuận như kỳ vọng.

Không chỉ có Sóc Trăng mà hầu hết các vùng nuôi tôm trong khu vực ÐBSCL năm nay đều có độ mặn rất thấp và giảm nhanh. Tại xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, mặc dù nằm cạnh cửa sông Cổ Chiên đổ ra biển nhưng nguồn nước vẫn 0%o từ đầu tháng 5. Chỉ cho chúng tôi xem ao trữ nước mặn to đùng được che lưới lan để hạn chế bốc hơi, ông Phan Ðức Hùy, chủ trại nuôi rộng 8ha, than: “Năm nay mặn yếu mà lại giảm nhanh nữa nên tôi phải nuôi theo quy trình tuần hoàn nước, chứ nếu không bây giờ không biết lấy nước mặn đâu để nuôi”.

Nhưng đâu chỉ có bất lợi về độ mặn, vụ tôm năm nay còn gặp khó khi xuất hiện bệnh phân trắng và gan tụy, khiến tôm chậm lớn và chết. Anh Phan Văn Mừng, Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thủy sản Toàn Thắng ở thị xã Vĩnh Châu, chia sẻ: “Dù chỉ mới thả nuôi 45ha/135ha nhưng đã có 10 hộ thu hoạch bị lỗ và 6 hộ huề vốn do tôm nuôi bị bệnh phân trắng và gan tụy. Số diện tích còn lại tuy chưa ghi nhận dịch bệnh gì nhưng tốc độ lớn của tôm rất chậm so với mọi năm”. Còn tại HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A (huyện Mỹ Xuyên) tình hình tôm thiệt hại cũng làm không ít hộ nuôi thua lỗ. Ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX, cho biết: “Trong số 23 hộ thả nuôi thì có đến 14 hộ bị lỗ do bệnh phân trắng và gan tụy, kể cả hộ nuôi lót bạt 2-3 giai đoạn như tôi cũng lỗ hơn 100 triệu đồng. Tình hình hiện vẫn chưa được cải thiện khi gần đây, một số ao mới thả vài ngày tôm đã chết mà không rõ nguyên nhân”.

Chi phí cao, giá tôm đang giảm

Trong khi các yếu tố về độ mặn, dịch bệnh đều bất lợi cho người nuôi thì giá tôm từ sau tuần đầu tháng 6 đến nay liên tục giảm, còn giá thức ăn tôm và vật tư đầu vào khác hầu hết đều tăng mạnh. Ông Mã Thanh Hồng, Giám đốc HTX tôm - lúa Hòa Ðê (huyện Mỹ Xuyên), lo lắng: “Giá thức ăn tôm thẻ năm ngoái chỉ khoảng 25.000 đồng/kg, đến nay bình quân khoảng 30.000 đồng/kg. Ðó là mua tiền mặt, nếu mua nợ thì giá lên đến 36.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tôm những ngày gần đây bắt đầu giảm hầu hết các kích cỡ nên nhiều thành viên không dám thả nuôi”.

Cũng vì có quá nhiều yếu tố bất lợi cho nghề nuôi nên dù nuôi theo ao tròn nổi lót bạt, nhưng ông Phan Ðức Hùy cũng chỉ dám thả nuôi với mật độ khoảng 150 con/m2, thay vì 250 con/m2 như trước đây. Ông Hùy giải thích: “Do độ mặn thấp, nguồn nước không đủ khoáng, mình phải giảm mật độ lại để tôm nhanh lớn và đạt kích cỡ lớn bán giá cao mới có lời. Với chi phí đầu vào tăng mạnh như năm nay, nếu thu hoạch tôm 50-60 con/kg thì lợi nhuận rất thấp, chỉ có thu tôm cỡ 20-30 con/kg thì lợi nhuận mới đạt được như kỳ vọng”.

Theo ghi nhận của người viết, giá tôm thẻ loại 60 con/kg hiện giá chỉ 116.000 đồng/kg, nhưng tôm thẻ loại 30 con/kg giá 147.000-150.000 đồng/kg, còn tôm thẻ loại 20 con/kg giá từ 233.000-240.000 đồng/kg. Tuy giá tôm hiện tại vẫn còn cao hơn cùng kỳ 2.000 đồng/kg đến hơn 10.000 đồng/kg (tùy theo kích cỡ), nhưng với chi phí đầu vào tăng mạnh như vừa qua, giá thành của mỗi ký tôm cũng đã tăng lên 4.000-7.000 đồng/kg, nên lợi nhuận hầu như không tăng thêm là mấy.

Sẽ thiếu tôm nguyên liệu?

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, trước mắt trong tháng 6 và cả nửa đầu tháng 7, tình hình cung ứng tôm nguyên liệu nhìn chung vẫn tạm ổn, nhưng khả năng phần lớn sẽ là tôm cỡ trung và cỡ nhỏ. Tại các điểm thu mua tôm trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên, hôm 11/6 chúng tôi ghi nhận đa phần là tôm thẻ cỡ nhỏ (80-100 con/kg) mà theo người nuôi là họ buộc phải thu sớm để bảo toàn vốn vì tôm nuôi chậm lớn. Tuy nhiên, từ tháng 8 trở đi, khi các nhà máy vào giai đoạn tăng tốc phục vụ cho các hợp đồng cuối năm thì khả năng thiếu hụt tôm nguyên liệu có thể xảy ra, nếu ngay từ bây giờ tiến độ thả nuôi không được cải thiện.

Theo kế hoạch, vụ tôm nước lợ năm 2022, tỉnh Sóc Trăng thả nuôi 51.000ha, nhưng đến ngày 10/6, chỉ mới có hơn 32.000ha được thả nuôi. Trong khi đó, nguồn nước cấp cho các vùng nuôi trong tỉnh hiện phần lớn đều đã không còn độ mặn, cộng thêm dịch bệnh và giá tôm giảm nên nhiều hộ nuôi không dám thả nuôi tiếp. Ông Mã Chí Thọ cho biết thêm: “Nhiều hộ nâng cấp lên mô hình ao bạt để nuôi 2-3 giai đoạn nhưng khi làm xong nguồn nước không còn độ mặn nên họ cũng không dám thả”.

Theo HOÀNG NHÃ (báo Cần Thơ)