Nhiều cơ hội mới trong hợp tác đầu tư và thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản

05/12/2023 - 10:48

Hội nghị hợp tác đầu tư và thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp (DN) Nhật Bản do UBND tỉnh vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh đã thành công tốt đẹp. Thông qua hội nghị, nhiều thông điệp hợp tác đầu tư đã được đưa ra, tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy, mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp và Nhật Bản trong các lĩnh vực mà địa phương đang ưu tiên thu hút đầu tư. Qua đó, mở ra những cơ hội hợp tác thiết thực, hiệu quả giữa Đồng Tháp và DN Nhật Bản, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.

A A

Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh với đối tác Nhật Bản

Đồng Tháp kêu gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực

Để giúp DN tham gia hội nghị hiểu sâu về tỉnh, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp thông tin, Đồng Tháp có các ngành hàng thế mạnh như: lúa gạo, cá tra, xoài, sen, hoa kiểng... Năng lực sản xuất lương thực của tỉnh là 6,6 triệu tấn/năm; sản phẩm sau gạo trên 30.000 tấn/năm. Kim ngạch xuất khẩu lương thực năm 2022 đạt 201,76 triệu USD; sản phẩm sau gạo trên 17,44 triệu USD; thị trường chủ lực: Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ...

Thời gian qua, Đồng Tháp chú trọng đẩy mạnh triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc; phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp; phát triển nông thôn toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng “Làng thông minh”, cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị. Tỉnh đang thí điểm xây dựng mô hình liên kết với Nhật Bản đào tạo hệ trung cấp lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao cho học sinh sau THCS tại tỉnh. Bên cạnh đó, Đồng Tháp có nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch phong phú, đặc biệt là tài nguyên du lịch sinh thái.

Sản lượng chế biến thủy sản của tỉnh là 700.000 tấn/năm; đối với collagen, progel, gelatin có năng lực sản xuất 3.000 tấn thành phẩm/năm; năng lực sản xuất dầu cá 173.900 tấn thành phẩm/năm... cũng là tiềm năng của tỉnh.

 Tỉnh có các DN đáp ứng năng lực sản xuất 3.500 triệu viên thuốc/năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 0,7 triệu USD; năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi 6,9 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 31,2 triệu USD; năng lực sản xuất may mặc, giày da 99,53 triệu sản phẩm/năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 173,4 triệu USD; các thị trường chủ lực là Mỹ, EU, Trung Quốc, Canada, Anh...

Về hạ tầng, Đồng Tháp được Trung ương thống nhất xây dựng tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Công trình này đang đẩy nhanh tiến độ thi công, khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đến Đồng Tháp còn khoảng 2 giờ. Đối với hệ thống giao thông thủy, tỉnh có 2 bến cảng nằm bên bờ sông Tiền giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện ra biển Đông và Campuchia. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính nhanh chóng... đang mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong (bìa phải) và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Thắng (bìa trái) giới thiệu đến Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh sản phẩm khăn choàng làm từ tơ sen Đồng Tháp (Ảnh: Nguyệt Ánh)

Trước những tiềm năng và lợi thế sẵn có, tỉnh Đồng Tháp kêu gọi cộng đồng DN Nhật Bản đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, về nông nghiệp, kêu gọi DN Nhật Bản xây dựng trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo ở vùng sinh thái nước ngọt; đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp; dự án đầu tư máy móc thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành nông nghiệp của vùng; đầu tư dự án chế biến, bảo quản nông sản, phụ phẩm nông nghiệp; phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung với diện tích lớn để đáp ứng được cả chất lượng và số lượng cho thị trường. Ngoài ra, tỉnh cũng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực: công nghiệp chế biến; xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng; chăm sóc sức khỏe. Đồng Tháp cũng mong muốn các đối tác Nhật Bản tăng cường đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực đào tạo nguồn lao động chất lượng cao và đưa lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài...

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Với ý chí và quyết tâm trong thu hút đầu tư, cùng quan điểm nhất quán xem nguồn lực từ xã hội là quan trọng trong phát triển kinh tế, Đồng Tháp đã và đang tiếp tục hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, mạng lưới giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, chuẩn bị nguồn lao động trẻ dồi dào. Đồng Tháp không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá mà tập trung kêu gọi những lĩnh vực đang rất cần nhằm phát huy tối đa thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh nhà. Tỉnh Đồng Tháp luôn xem thành công từ các dự án đầu tư của DN, đối tác cũng chính là thành công của địa phương...”.

Ngài Ono Masuo - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh đánh giá cao tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Tháp. Trong thời gian tới, khi hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy được hoàn thiện sẽ kéo theo cơ hội đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp trong nhiều lĩnh vực như: chế biến nông sản, logistics, du lịch... Phía Nhật Bản hi vọng, thông qua hội nghị, tiềm năng và cơ hội của tỉnh Đồng Tháp sẽ được DN Nhật Bản biết đến rộng rãi hơn, từ đó góp phần tăng cường mối quan hệ kinh tế và giao lưu giữa 2 bên - Nhật Bản và Đồng Tháp.

DN Nhật Bản đặt nhiều kỳ vọng vào tỉnh

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đồng Tháp sang Nhật Bản đạt 18,17 triệu USD. 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đồng Tháp sang Nhật Bản đạt 20,5 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: thủy sản, dệt may, giày da, bánh phồng tôm, các sản phẩm từ gạo, collagen... Những mặt hàng mà Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu chính là những mặt hàng Đồng Tháp có thế mạnh và tiềm năng để trở thành nguồn cung ứng lớn cho các DN Nhật Bản.

Nhìn về những tiềm năng của vùng Đất Sen hồng, ông Nobuyuki Matsumoto - Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh đánh giá, Đồng Tháp có nhiều cơ hội để phát triển. Thông qua hội nghị lần này, các DN, nhà đầu tư Nhật Bản sẽ biết đến Đồng Tháp nhiều hơn. Các tổ chức Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực giới thiệu với các DN đến Đồng Tháp tìm hiểu đầu tư và kỳ vọng sẽ có sự tiến triển mạnh mẽ trong năm 2024 sắp tới.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản bên lề hội nghị

Còn Đại diện Thường trú Văn phòng JICA Việt Nam cho rằng, đối với các nhà đầu tư Nhật Bản thì hạ tầng kết nối giao thông của Đồng Tháp là một trong những điểm thu hút. Đồng thời, nguồn nhân lực chất lượng của tỉnh cũng giúp DN Nhật Bản giải bài toán về con người nhằm tiếp tục phát triển sản xuất, mở rộng thị trường...

Là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm liên quan đến bánh gạo đang hoạt động tại tỉnh Đồng Tháp, ông Hiroshi Fukai - Tổng Giám đốc Công ty CP Thiên Hà Kameda (huyện Tháp Mười) chia sẻ: “Chúng tôi đầu tư vào Đồng Tháp vì địa phương có nguồn gạo chất lượng, nhân lực dồi dào, giao thông thuận tiện. Một điểm quan trọng hơn, lãnh đạo tỉnh đã luôn đồng hành hỗ trợ rất nhiều cho đơn vị của chúng tôi trong suốt quá trình hoạt động”.

Ông Hiroshi Fukai đề xuất, thời gian tới, các ngành, các cấp cần hỗ trợ đơn vị trong việc tạo môi trường sinh hoạt để người nước ngoài có thể sinh sống và làm việc tại Đồng Tháp. Cùng với đó, hỗ trợ đơn vị trong việc xây dựng nhà ở lưu trú dành cho công nhân viên...

Ông Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh, Đồng Tháp xác định đồng hành cùng DN là trách nhiệm và cam kết cao nhất của lãnh đạo và chính quyền các cấp. Chúng tôi đã chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất để DN nhanh chóng triển khai dự án với nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Tân Kiều, Tân Lập, Trường Xuân, Quảng Khánh, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp (với 2 cửa khẩu Quốc tế Thường Phước và Dinh Bà) đã được xây dựng hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc triển khai thi công dự án. Hạ tầng giao thông được tập trung thúc đẩy, hoàn thiện...

Theo KHÁNH PHAN (Báo Đồng Tháp)