Lặt lá mai chuẩn bị Tết. Ngày rằm tháng Chạp có con cháu cùng lặt lá mới vui. Ngày Tết không có hoa mai như thịt kho rệu thiếu dưa cải, như vườn hoa vắng bướm ong, như ba ngày xuân không mặc áo mới… vậy đó!
Mà mẹ đâu chịu lặt lá mai một mình, bảo là “vườn rộng cây cao, mình ên mẹ sao làm…”, nên dù bận mấy phải chiều lòng. Mẹ đếm từng ngày qua chuyển động đất trời trên chồi non nụ biếc… Hoa mai nở cháu con lại về bên gia đình.
Như anh hồi nhỏ vậy đó, nôn Tết từ bữa lặt lá mai bên nhà ông nội. Hồi đó, nhà nội ở xóm Trâm Bầu có cả vườn mai, gốc nào gốc nấy bằng bắp vế, ông thường bảo thím út làm mứt chùm ruột, mứt dừa để “chiêu dụ” mấy cháu nhỏ và đám con nít trong xóm chạy qua lặt lá mai phụ ông.
Nhà ông nội bỗng vui như Tết. Đám con nít thi nhau coi đứa nào lặt lá nhanh nhất, vừa cười đùa tíu tít như bầy chim se sẻ giúp cô Tấm nhặt thóc trong chuyện cổ tích… Rồi ông nội dọn vườn sạch bong không còn một cọng cỏ. Đám con nít có địa điểm mới chơi tán u, nu na nu nống, nhảy cò chẹp suốt một mùa vui.
Lúc rỗi ông ngồi phe phẩy nón lá, kéo khăn rằn chấm mồ hôi, tấm tắc khen “nhờ sấp nhỏ tụi bay vườn mai đẹp quá”. Ông không quên đãi đằng khi thì mứt kẹo, khi thì bánh tráng được đốt lửa than rồi nướng ngay dưới vườn dừa, nghe ông kể chuyện “cọp ăn chè”, “cọp xay lúa” của bác Ba Phi… đứa nào đứa nấy cười bò lăn bò càng.
Từ ngày rằm tháng Chạp lặt lá mai, quê mình bắt đầu vào mùa bánh mứt tết ngào ngạt thơm lừng từng cơn gió từ đầu trên tới xóm dưới. Trong khi mấy chị gái chăm chút cho các loại mứt gừng, mứt me, mứt bí vừa đủ ngọt ngào, bánh in vừa in chiếc khung… thì cánh đàn ông hì hục tát đìa bắt cá.
Đám con nít cứ chạy lon ta lon ton, khoái chí được ba mẹ cho xuống đìa, la rần trời “dính con cá lóc bự chảng rồi nè ba ơi”…
Đúng không khí “nhà mình vui như ba ngày Tết” là vậy đó. Ăn Tết đâu chỉ là… chuyện ăn thôi, còn cái sự chuẩn bị ăn tết thì ở quê hồi đó mới là chuyện dài ngày.
Nhà nào cũng dành cả tháng trời trồng rau cải, bầu bí, làm bánh mứt... để dành ăn Tết. Vườn nhà không bao giờ thiếu thức ăn.
Có lẽ mùa thương nhớ không chỉ nằm trong ký ức bọn trẻ mà mẹ già cũng muốn sống lại thời thanh xuân khi cội mai vàng nở nhụy khai hoa.
Nên dù có bận trăm công ngàn việc đi chăng nữa, anh vẫn nhớ ngày rằm tháng chạp về nhà, cùng mẹ lặt lá mai, sang sửa ngôi nhà, quét tước vườn tược… Nói là chiều lòng cho mẹ vui, nhưng trong thâm tâm anh cũng muốn trở lại mùa thương nhớ của mình, mùa thương nhớ nơi miền ký ức rực rỡ.
Theo YÊN HƯƠNG (Báo Vĩnh Long)