Nhộn nhịp Xóm ốc

02/11/2023 - 15:17

Khi mùa nước nổi về, người dân xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An không chỉ có thêm thu nhập từ cá linh, bông điên điển,... mà những nông dân chân đất nơi đây còn có thể kiếm tiền từ việc cào ốc đồng.

A A

Mờ sáng, gần cả chục chiếc xuồng cào ốc lần lượt cập bến bên dòng kênh Lò Gạch (ấp Bàu Nâu, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) làm không khí nơi đây nhộn nhịp hơn. Mọi người vui vẻ hỏi thăm nhau cào được bao nhiêu ốc, chạy xa hay gần, tốn bao nhiêu xăng, dầu?

Vừa cập bến, nghe mọi người hỏi, anh Hồ Văn Hồng (ấp Gò Cát, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) hớn hở: “Nay trúng mánh, tui cào được cả chục bao ốc, chắc bán được cả triệu đồng. Ngày mai, anh em nào chưa có chỗ cào thì theo tui, tui chỉ cho”. Chị Bùi Thị Điều (ấp Bàu Nâu xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) tiếp lời: “Hứa rồi nhe! Mai cho chồng tôi theo nhen”.

Nhộn nhịp xóm ốc tại ấp Bàu Nâu, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng

Nghe hai người nói chuyện, những người xung quanh phá lên cười làm cho không khí càng thêm nhộn nhịp, vui vẻ, xóa tan những mệt nhọc, vất vả sau một đêm thức trắng để cào ốc. Rồi họ lại kéo nhau lên bờ ngồi nói chuyện, đợi thương lái đến thu mua.

Anh Hồng kể: “Để có thu nhập từ nghề cào ốc, chúng tôi làm việc cả đêm, không dám chợp mắt bởi tập tính của ốc là ban đêm đi ăn nên nổi trên mặt nước, còn ban ngày nắng nóng lặn xuống dưới đáy. Dụng cụ cào ốc gồm 2 cái cây bằng sắt hoặc bằng tre dài khoảng 9m, ở giữa 2 thanh tre được buộc tấm lưới cước rộng khoảng 7m, đầu 2 thanh tre buộc thêm các dụng cụ nổi. Mỗi mùa cào ốc thường kéo dài khoảng 3 tháng. Nước lên ngập gốc rạ là mùa cào ốc bắt đầu. Cào ốc chỉ cần một người làm, thường là đàn ông. Dù vất vả nhưng có thu nhập ổn định, ai chịu khó cũng sống khỏe vào mùa nước nổi”.

Đang trò chuyện, bà Phan Thị Bích Tuyền (thương lái, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng) ghé lại, trên tay cầm theo cả chục ly cà phê mời những người cào ốc. Bà Tuyền vui vẻ nói: “Nãy giờ mấy anh em ngồi đợi lâu, uống ly cà phê cho đỡ buồn ngủ, ghe gần tới rồi. Mà nay thấy xuồng nào cũng đầy ốc! Nay tui mua ốc 1.200 đồng/kg, tăng 200
đồng/kg so với mọi bữa rồi đó!”.

Thấy có người tìm hiểu về nghề cào ốc đồng, bà Tuyền nói tiếp: “Tui sống bằng nghề thu mua ốc hơn 10 năm. Lúc đầu, tui chỉ thu mua ruột ốc. Ban đêm, đàn ông đi cào ốc. Ban ngày, đàn bà ở nhà nấu ốc, lể ốc. Giờ thu mua ốc nguyên con nên khỏe hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, mấy năm nay, nước lũ về ít nên lượng ốc cũng ít dần. Trước đây, mỗi ngày, tôi thu mua gần 30 tấn ốc, còn giờ bữa nào nhiều cũng chỉ được khoảng 10 tấn. Ốc này mua về làm thức ăn cho tôm, cá ở miền Trung”.

Tiếp lời bà Tuyền, anh Nguyễn Văn Vũ Luân (ấp Bàu Nâu, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) nói: “Xóm này có gần cả chục người sống bằng nghề cào ốc đồng mùa nước nổi. Trước đây, tui cào một đêm gần 1,5 tấn ốc, còn giờ trúng thì được khoảng 700kg ốc. Mùa cào ốc thường bắt đầu sớm và kết thúc muộn so với những nghề đánh bắt thủy sản khác vào mùa nước nổi. Trung bình mỗi mùa nước nổi, một người cào ốc có thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Cũng nhờ nghề cào ốc mà diệt được số lượng lớn ốc bươu vàng sinh sản trong mùa nước nổi, giúp nông dân canh tác lúa thuận lợi”.

Anh Luân vừa dứt lời thì ghe thu mua ốc cập bến, những người cào ốc bắt đầu xuống xuồng cùng thương lái khiêng ốc đi cân. Lúc này, xóm ốc không chỉ có người cào ốc, thương lái mà còn có người dân xung quanh đến xem người dân quê mình cân ốc, đếm tiền.

Bằng sự lao động cần cù, siêng năng, nông dân biết cách sống “thuận thiên”, biến lũ trở thành điều kiện thuận lợi để khai thác giá trị sản vật do thiên nhiên ban tặng. Và nghề cào ốc đồng trở thành một nét đặc trưng khi mùa nước nổi về./.

Theo KIM NGỌC (Báo Long An)