Những chuyến hàng ngược xuôi sông nước

08/06/2022 - 10:06

“Xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông”, đó là câu ca quen thuộc của khách thương hồ ngược xuôi trên sông nước miền Tây Nam Bộ.

Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Cà Mau nói riêng, là vùng đất nhiều sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, bao quanh bởi cánh rừng đước, rừng tràm. Chính vì yếu tố đó, từ xa xưa vùng đất này đã hình thành giới thương nhân trên sông nước. Họ lấy ghe tàu làm phương tiện vận chuyển hàng hoá, ngày đêm lênh đênh trên sông nước để giao thương.

Những chuyến ghe hàng cặp bến Cà Mau, đa số là dân thương hồ từ miệt Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng… xuôi dòng sông Phụng Hiệp, kênh xáng Xà No, Chắc Băng, Miệt Thứ, mang theo những hàng hoá thiết yếu, như xăng dầu, cát đá, gạch ngói, xi-măng, trái cây… về xứ Cà Mau buôn bán, và khi trở về thì trên từng chiếc ghe đầy ắp sản vật Cà Mau, nào là cây đước, cây tràm, tôm, cá, lúa, gạo… toả đi buôn bán khắp nơi, đến với nhiều xứ sở.

Những chuyến hàng xuôi ngược trên sông đã hình thành một nền kinh tế văn hoá sông nước đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, giúp việc giao thương ngày càng phát triển.

Những chiếc sà lan vận chuyển cát từ vùng trên về xứ Cà Mau qua đường sông Ông Đốc.

Những chuyến ghe hàng chở củi đước từ Cà Mau về các tỉnh miền Tây tiêu thụ.

Chuối Cà Mau đầy ắp ghe, tàu, toả về muôn nẻo.

Bữa cơm đạm bạc trên sông nước thương hồ.

Bình yên đời sống thương hồ khi về đêm.

 

Theo HUỲNH LÂM (Báo Cà Mau)